Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn

ĐẦU TƯ Việt nAM
14:15 - 15/05/2023
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tại sự kiện.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tại sự kiện.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Phát biểu tại hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong 35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, khoảng 280 tỷ USD đã được giải ngân. Năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam vẫn lọt Top 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đã chứng minh cho những thành công của Việt Nam trong thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

"Cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực kinh tế năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế. Khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin tại sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, khảo sát của Tổ chức JETRO (Nhật Bản) mới đây cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Còn các nhà đầu tư châu Âu, họ xếp Việt Nam trong Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu...

Giải pháp trọng tâm thu hút đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Tuy nhiên, thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với những rất nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trên toàn cầu, tăng trưởng thấp. Các nền kinh tế vẫn tiếp tục được cảnh báo đối diện nguy cơ suy thoái và tổng cầu cũng đang giảm rất nhanh. Xung đột Nga - Ukraine còn phức tạp và kéo dài. Thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%... nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại.

"Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư, ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Do đó, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực..., trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đổi mới sáng tạo chính là khâu đột phá của chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.

Thứ hai, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.

Thứ ba, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi; báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể;...

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề, đồng thời nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước… nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, xu thế hiện nay, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch…

Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đọc tiếp