Việt Nam xuất siêu gần 700 triệu USD trong nửa đầu năm 2022

Việt nAM XUẤT KHẨU
12:10 - 29/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/6, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 371 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng 5/2022. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD; còn lại thuộc khu vực kinh tế trong nước (đạt 8,83 tỷ USD).

So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 tăng 20%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 22,3%.

Trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 8,7% so với quý I/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD chiếm 57,8%.

Đối với mặt hàng nông sản, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt trị giá cao nhất, ở mức 2,3 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là gạo, đạt 1,7 tỷ USD; hàng rau quả đạt 1,6 tỷ USD; hạt điều đạt 1,5 tỷ USD…

Thời gian qua, trước biến động của thị trường thế giới cũng như biến động nguồn cung từ Brazil và Việt Nam, giá cà phê quốc tế và nội địa có sự biến động trái chiều. Dù vậy, giá xuất khẩu sang các thị trường vẫn đạt tín hiệu tốt. Đầu tháng 6, tại cảng khu vực TP HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% có mức giá giao dịch là 2.164 USD/tấn. So với ngày 28/5/2022, mức giá này tăng 0,5% (tương ứng 12 USD/tấn).

Đối với hàng thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng thủy sản các tháng đầu năm xuất khẩu sang các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng lạc quan. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trị giá cao nhất, ở mức gần 1,1 tỷ USD. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt từ 2,4 – 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và CPTPP đều ghi nhận tín hiệu tích cực. Trong đó, mặt hàng tôm sú đang chiếm ưu thế lớn tại EU nhờ các hiệp định FTA. Tại CPTPP, Việt Nam hiện là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia.

Với mặt hàng cá tra, xuất khẩu cá tra tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022 do nhu cầu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng cao trong khi nguồn cung toàn cầu giảm. Theo VASEP, thị trường châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tìm kiếm các mặt hàng thay thế cá minh thái của Nga trước các lệnh trừng phạt, trong đó cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội khi vốn là cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá minh thái. VASEP dự báo, cá tra của Việt Nam có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm 2022.

Đối với lâm sản, xuất khẩu gỗ sang đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cao su cũng tăng trưởng tốt khi tăng hơn 13%, đạt mức 1,3 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,59 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 0,2 điểm phần trăm, đạt 164,88 tỷ USD. Nhóm hàng nông sản, lâm sản giảm 0,6 điểm phần trăm, đạt 5,76 tỷ USD. Nhóm hàng thủy sản tăng 0,5 điểm phần trăm, đạt 5,76 tỷ USD.

Nhập khẩu gần 100 tỷ USD trị giá hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,8 tỷ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,57 tỷ USD, tăng 0,5%.

So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,9%.

Trong quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu; có 6 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 5 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, đạt 174,16 tỷ USD. Trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%, giảm 0,9 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1,1 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng giảm 0,2 điểm phần trăm, đạt 11,07 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu hơn 700 triệu USD trong 2 quý đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 10,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 6 ước tính xuất siêu 276 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.