Vietbank lên kế hoạch mua lại hơn 340.000 trái phiếu trong quý IV

VIETBANK NGÂN HÀNG
10:30 - 12/10/2022
Vietbank lên kế hoạch mua lại hơn 340.000 trái phiếu trong quý IV
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến cuối tháng 6, Vietbank có 2.585 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm.

HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank – Mã: VBB) vừa nhất trí thông qua phương án mua lại trước hạn trái phiếu.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại là 343.000 trái phiếu với tổng giá trị trái phiếu là 343 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với mệnh giá là 1 triệu đồng/trái phiếu.

Trái phiếu được mua lại có mã VIETBANK.L:20.27.001, có kỳ hạn 7 năm và kỳ thanh toán định kỳ một năm/lần. Lãi suất áp dụng cho toàn bộ thời hạn của trái phiếu là lãi suất thả nổi (lãi suất có điều chỉnh định kỳ), được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,2%/năm. Ngày phát hành trái phiếu là 28/10/2020.

Tổ chức tư vấn phát hành và lưu ký trái phiếu là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Vietbank dùng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Thời gian mua lại dự kiến trong quý IV/2022.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022, tính đến cuối tháng 6, ngân hàng có 2.585 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn gốc 7 năm có lãi suất thả nổi, lãi suất năm đầu tiên cố định từ 7 - 8,23%; trái phiếu 2 năm có lãi suất cố định từ 5,2 - 5,5%/năm.

Ở một diễn biến khác, ngày 21/7, Vietbank thông báo sẽ phát hành 300.000 trái phiếu ra công chúng, tương đương 3.000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt chào bán.

Trong đợt 1, ngân hàng sẽ chào bán 100.000 trái phiếu tương đương 1.000 tỷ đồng có kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là mỗi năm một lần.

Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và cộng biên độ 3,5% vào 2 năm cuối theo Nghị quyết số 15 ngày 14/03/2022.

Số tiền thu về từ trái phiếu sẽ được Vietbank sử dụng để tăng quy mô vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 71,4% so với năm 2021; tổng tài sản đạt trên mức 130.000 tỷ đồng và nằm trong nhóm 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng.

Doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu trước hạn

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính chung trong 3 quý đầu năm 2022 tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lên hơn 142.200 tỷ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng tháng 9 chiếm hơn 28.800 tỷ đồng, tương đương tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp điển hình trong hoạt động tất toán nợ trái phiếu trước hạn phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Công ty Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Ngân hàng OCB...

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.