Vietcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên kịch trần

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:22 - 06/01/2023
Vietcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên kịch trần
0:00 / 0:00
0:00
Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại Vietcombank đều đồng loạt tăng lên mức 6%/năm, trong khi các kỳ hạn khác vẫn giữ nguyên.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã:VCB) vừa thông báo thay đổi biểu lãi suất huy động cho tiền gửi online, trong đó các kỳ hạn ngắn đều lên mức kịch trần.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,8%/năm lên mức 6%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 6%/năm. Đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Vietcombank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động cùng mức 6,5%/năm. Còn lãi suất kỳ hạn 1 năm, 2 năm cũng giữ nguyên 7,4%/năm.

Như vậy, ngoài lãi suất kỳ hạn ngắn đã lên mức kịch trần quy định thì lãi suất kỳ hạn dài của Vietcombank vẫn ở mức thấp nhất trên thị trường.

Không chỉ với lãi suất kỳ hạn dài mà ngay cả lãi suất không kỳ hạn (CASA), trong khi nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất lên 1%/năm thì Vietcombank vẫn giữ nguyên mức 0,1%/năm, thấp nhất toàn hệ thống.

Đối với hình thức tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 2 tháng của Vietcombank hiện vẫn là 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5,4%/năm. Mức lãi suất 6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng và mức 7,4%/năm khi gửi từ 12 tháng trở lên.

Cũng trong đầu tháng 1/2023, Vietcombank đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4/2023. Cụ thể, Vietcombank sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại ngân hàng.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay khách hàng với mức giảm đồng loạt 1%/năm với hầu hết khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Về tình hình kinh doanh năm 2022, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, dự kiến đến hết năm 2022, tổng tài sản của VCB ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng và tín dụng ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tỷ trọng tín dụng bán lẻ của Vietcombank đã tăng từ 40% năm 2017 lên trên 55% năm 2022. Cơ cấu thu nhập chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, các mảng kinh doanh dịch vụ tăng trưởng nhanh về quy mô.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng liên tục giảm qua các năm. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%, giảm mạnh so với mốc 1,12% năm 2017. VCB đã thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế và là ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao nhất trên thị trường.

Không nêu lợi nhuận ước tính năm 2022, nhưng Chủ tịch Vietcombank cũng cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.