Vietcombank đề xuất nhóm Big4 được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:13 - 28/12/2022
Vietcombank đề xuất nhóm Big4 được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng đã đưa 4 đề xuất nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại Nhà nước có thể thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường.

Vietcombank chưa hoàn thành được việc tăng vốn điều lệ

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 ngày 28/12, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) cho biết, đối với Vietcombank, dự kiến đến hết năm 2022 tổng tài sản tại ngân hàng này ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, tín dụng tại Vietcombank ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng trong đó tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng từ 40% năm 2017 lên trên 55%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%.

Tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017. Vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng thêm 11.000 tỷ đồng sau 5 năm, đạt mức trên 47.000 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu tăng gần 53.000 tỷ đồng, đạt 136.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, sớm trước thời hạn 1 năm so với quy định, đáp ứng toàn bộ 03 trụ cột của Basel II. Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực IFRS9. Đồng thời, chương trình hành động chuyển đổi số được triển khai một cách bài bản và quyết liệt, tập trung vào các trụ cột: số hoá, dữ liệu, công nghệ, và chuyển đổi…

Trong 5 năm qua (2016-2021), năng suất lao động bình quân của Vietcombank tăng hơn 200%, nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%.

Vietcombank đề xuất nhóm Big4 được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng ảnh 1

Như vậy, Vietcombank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng được đề ra tại Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả; tạo ra những bước chuyển lớn và tiền đề quan trọng cho một giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, một nội dung quan trọng Vietcombank chưa hoàn thành so với phương án đã đề ra là việc tăng vốn điều lệ, vấn đề nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng

4 kiến nghị của Vietcombank

Cũng trong Hội nghị, ông Phạm Quang Dũng đã đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại Nhà nước có thể thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường, là lực lượng nòng cốt thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và để thực hiện thành công các mục tiêu của "Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo đó, ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

"Việc này sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại Nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ", Chủ tịch Vietcombank nhấn mạnh.

Thứ hai, NHNN cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung để giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo lãnh đạo Vietcombank, trong 5 năm qua (2016 - 2021), năng suất lao động bình quân của ngân hàng này đã tăng hơn 200%, nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%.

Đại diện Vietcombank cũng kiến nghị NHNN và các bộ ngành liên quan cho phép có cơ chế lương riêng, không thuộc quỹ lương chung của ngân hàng, dành cho các vị trí công việc đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trước mắt có thể cho phép triển khai thí điểm với các điều kiện ràng buộc về hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.

Thứ ba, tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng này còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

Đề xuất ưu tiên tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng quốc doanh. Ảnh minh hoạ

Đề xuất ưu tiên tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng quốc doanh. Ảnh minh hoạ

Riêng với Vietcombank, ngân hàng mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 - 2020 sau khi trích lập các quỹ (nội dung này đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ).

Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (là nội dung đã được Thủ tướng Chính Phủ, NHNN và BTC đồng ý về chủ trương).

Cuối cùng, các ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò trọng yếu đối với hệ thống, có quy mô tài sản và số lượng cán bộ nhân viên rất lớn. Do đó, Vietcombank kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung được tăng thêm số lượng Phó Tổng Giám đốc để đảm bảo chất lượng hoạt động.

“Tính từ năm 2012 đến nay, quy mô của Vietcombank đã tăng gần 5 lần, trong khi định mức tối đa về số lượng Phó tổng giám đốc (được áp dụng từ năm 2012) là không thay đổi - chưa kể đến thực tế có 1 Phó tổng giám đốc người nước ngoài đại diện của cổ đông chiến lược Mizuho không tham gia điều hành”, Chủ tịch Vietcombank chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.