VIFTA là đòn bẩy để thương mại Việt Nam - Israel chạm mốc 4 tỷ USD

Thương Mại Việt Nam - Israel
14:15 - 16/08/2023
Ký kết Bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Israel tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Ký kết Bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Israel tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) chính thức được ký kết đã tạo ra kỳ vọng thương mại hai nước sớm đạt mốc 3 – 4 tỷ USD.

Sáng ngày 16/8, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế và kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Israel.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: “Chặng đường 30 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam – Israel đã đạt được những bước phát triển tốt đẹp, tạo đà cho phát triển kinh tế thương mại. Đặc biệt, việc ký kết FTA giữa hai nước cho thấy hợp tác kinh tế, thương mại luôn là lĩnh vực quan trọng và còn nhiều tiềm năng trong mối quan hệ Việt Nam – Israel”.

Bộ trưởng bày tỏ Việt Nam cam kết chia sẻ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để giúp doanh nghiệp Israel đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. “Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ông Nir Barkat - Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel cũng đánh giá cao vai trò của VIFTA trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước: “Việc ký kết FTA là dấu mốc lớn và chuyến bay thẳng giữa Việt Nam - Israel là bước tiếp theo để chúng ta có thêm nhiều ý tưởng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới”.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam được coi là cửa ngõ để Israel có thể tiếp cận vào khu vực ASEAN, nơi có quy mô dân số gần 700 triệu người.

Ngày 25/7 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA).

Việc VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực của hai nước sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Israel hiện là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Nhìn về tiềm năng mỗi nước, Israel đang ngày khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế khi có ưu thế về khoa học kỹ thuật cao, có khả năng phát triển các ứng dụng công nghệ phục vụ cho ngành sản xuất, đặc biệt là công nghệ điện tử, nông nghiệp cao…

Trong khi đó, Việt Nam hiện được đánh giá là nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới, trong đó là nền kinh tế đứng thứ 3 tại ASEAN với quy mô GDP đạt hơn 410 tỷ USD vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng đạt trên 8%, là mức cao nhất trong 12 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát...

Việt Nam cũng là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 735 tỷ USD trong năm 2022. Hiện Việt Nam là thành viên của 16 FTA mà thành viên là các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.

Trong vấn đề đầu tư, Việt Nam được đánh giá cao và là điểm đến đầu tư an toàn với gần 36.000 dự án đến từ 141 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 435 tỷ USD.

Trước tình hình thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: “Việt Nam – Israel cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư, từ đó cùng ứng phó, nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế".

Việt Nam – Israel có nhiều tiềm năng mở rộng thương mại khi cơ cấu hàng hóa hai nước có tính bổ trợ cho nhau, đây là điều kiện thuận lợi để hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mỗi bên.

VIFTA là đòn bẩy để thương mại Việt Nam - Israel chạm mốc 4 tỷ USD ảnh 1

“Với việc đạt thỏa thuận các chương của VIFTA, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng tỷ lệ tự do hóa thương mại, đây sẽ là xung lực thúc đẩy thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, đưa thương mại Việt Nam – Israel sớm đạt mức 3 – 4 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới”

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam kỳ vọng doanh nghiệp Israel sẽ nghiên cứu và sớm có dự án đầu tư mới vào Việt Nam, đặc biệt tại các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi như điện tử, năng lượng, hóa chất, công nghiệp (công nghệ cao…).

Liên quan đến vấn đề tận dụng tốt lợi thế mà VIFTA mang lại, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi Trần Quang Huy cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tăng cường đầu tư, tham dự các chương trình xúc tiến thương mại.

Mặt khác, Việt Nam cũng đề nghị Israel nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt thông qua nhiều hình thức liên doanh, liên kết. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt sản xuất sản phẩm công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao như sản xuất linh kiện, bán dẫn, thực phẩm…

Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác với Israel trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ công nghệ và sản xuất, công nghệ điện tử và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất xanh…

Thời gian qua, bất chấp nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Israel liên tục ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt. Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2013 – 2022), thương mại giữa hai nước đã tăng từ 0,59 tỷ USD (năm 2013) lên 2,22 tỷ USD (năm 2022). Ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn tăng từ 1,57 tỷ USD (năm 2020) lên 1,88 tỷ USD (năm 2021).

Tin liên quan

Đọc tiếp