Viglacera tự tin là doanh nghiệp có năng lực hàng đầu phân khúc nhà ở xã hội

VGC Viglacera
13:22 - 11/05/2023
Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) cùng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn (giữa) chủ trì đại hội.
Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) cùng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn (giữa) chủ trì đại hội.
0:00 / 0:00
0:00
Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và nguồn lực vật liệu sẵn có, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn nhận định Viglacera là một trong những doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất ở mảng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) được tổ chức thành công sáng ngày 11/5, thông qua nhiều quyết định quan trọng.

Cụ thể, cổ đông VGC thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 15.750 tỷ đồng – cao nhất kể từ khi niêm yết và tăng 8% so với kết quả thực hiện trong năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm 48% về 1.210 tỷ đồng. Cùng với đó, Viglacera dự kiến chia cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 20%, ngang bằng với cùng kỳ năm ngoái.

ĐHĐCĐ cũng đồng thuận ủy quyền cho HĐQT hết quý 3 xem xét điều chỉnh kế hoạch năm 2023 nếu cần thiết, trên cơ sở đánh giá kết quả SXKD 9 tháng đầu năm và dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch năm 2023.

Tại đại hội, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là việc công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm mạnh dù doanh thu kỳ vọng tăng vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Trả lời về vấn đề này, bà Trần Thị Minh Loan, Thành viên HĐQT cho biết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay được xây dựng trên cơ sở bám sát tình hình thực tế cho tới hết quý 1/2023.

Lợi nhuận năm 2023 của công ty chủ yếu đến từ hai mảng là bất động sản và kính. Trong đó, đối với mảng kính, lợi nhuận đóng góp trong năm nay dự kiến giảm khoảng 883 tỷ đồng so với thực hiện 2022, nguyên nhân là do giá bán kính bị ảnh hưởng lớn từ quý IV/2022. Năm nay, Viglacera xây dựng lộ trình tăng trưởng giá kính khoảng 9 - 10%.

Đối với mảng bất động sản, kế hoạch lợi nhuận đóng góp của mảng này dự kiến cũng giảm. Cơ cấu lợi nhuận sẽ chủ yếu đến từ việc bán nhà ở xã hội mà tỷ suất lợi nhuận của phân khúc này khá thấp.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn nhận định tình hình thị trường bất động sản năm 2023 rất xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty. Lĩnh vực bị tác động nhiều là kính và vật liệu xây dựng, trong khi VGC đang chuyển dịch dần sang gạch ngói sang lĩnh vực ốp lát và kính; kính cũng là mảng tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Trong giai đoạn Covid, chi phí nhập khẩu lớn, kính lại là mặt hàng nặng, khó nhập khẩu, chính vì vậy mà mặt hàng này của VGC được ưa chuộng bởi thị trường trong nước, dẫn tới tăng trưởng lợi nhuận tốt. Sang tới năm 2023, yếu tố này không còn, bất động sản lại diễn biến xấu, dẫn tới mảng này bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, do đặc thù mảng kính, khi thị trường kém thì vẫn phải sản xuất, điều này tạo sức ép lên giá. Cùng với đó là chi phí đầu vào tăng (giá soda tăng). Chính vì vậy, trong năm 2023, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, điều này phải chấp nhận theo diễn biến thị trường. Tình hình khó khăn và công ty đang tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Tại đại hội, một trong những mục tiêu đáng chú ý trong tương lại của Viglacera là việc từng bước thực hiện chương trình triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội (NOXH) trong giai đoạn 2022 – 2030, vốn đã được Bộ Xây dựng giao tại Hội nghị thúc đẩy phát triển NOXH cho công nhân, người thu nhập thấp của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn cho biết VGC đã đầu tư vào mảng NOXH, nhà ở công nhân từ những năm 2010 - 2011. Trong đó, nhà ở công nhân là tiện ích đi kèm tại mỗi KCN và đây là lợi thế của Viglacera so với các doanh nghiệp cùng ngành. Còn với nhà ở xã hội, công ty làm theo nhu cầu thị trường khi người mua thì nhiều. Phân khúc này chắc chắn sẽ có thanh khoản tốt, vừa đạt mục tiêu của ban lãnh đạo, vừa giải quyết được nhu cầu của xã hội.

Hiện nay tổng công ty đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Hà Nội, VGC có tham gia dự án Tiên Dương, Đông Anh với diện tích khoảng 40 ha, đến nay quy hoạch 1/500 của dự án đã được duyệt và đang chờ các thủ tục để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Viglacera rất sẵn sàng làm nhưng đang phải chờ thành phố công bố mời thầu để tham gia đấu thầu.

“Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, năng lực và nguồn lực vật liệu sẵn có, Viglacera là một trong những doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất ở mảng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Khi được hỏi về mảng kinh doanh khu công nghiệp, ông Trần Ngọc Anh – Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc VGC cho biết, trong năm nay các nhà đầu tư đến thuê bất động sản KCN sụt giảm so với năm 2022. Tính đến tháng 5, diện tích cho thuê đạt khoảng hơn 40 ha. Dự kiến lợi nhuận từ mảng bất động sản công nghiệp trong năm 2023 khoảng 1.380 tỷ đồng. Đây là kế hoạch tương đối an toàn dựa trên các hợp đồng khách hàng đã ký, công ty chỉ chờ hoàn thành các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng và trả hàng cho nhà đầu tư.

Về tiến độ thoái vốn nhà nước tại Viglacera, ông Trần Ngọc Anh chia sẻ với cổ đông, theo kế hoạch trong năm nay Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước và đang thực hiện theo trình tự. Các bên cũng quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn trong năm nay nhưng khả năng cao sẽ vẫn phải cần thêm thời gian.

Đọc tiếp