VN-Index giằng co với thanh khoản giảm, GAS bất ngờ tăng tốc chạm đỉnh cũ

GAS VN INDEX
16:09 - 03/06/2022
VN-Index gặp kháng cự mạnh ở ngưỡng cản 1.300 điểm. SSI
VN-Index gặp kháng cự mạnh ở ngưỡng cản 1.300 điểm. SSI
0:00 / 0:00
0:00
Khi nhóm dầu khí điều chỉnh sau nhiều phiên tăng nóng thì GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam vẫn giữ được sức bền để leo dốc. Phiên cuối tuần hôm nay, GAS tăng 4,5% trong bối cảnh các mã đều khó bứt phá khi VN-Index giằng co.

Trạng thái giằng co của VN-Index bắt đầu từ khi mở cửa phiên. Đóng cửa, chỉ số sàn HoSE chỉ giảm nhẹ 0,6 điểm, đứng ở mốc 1287.98. HNX-Index giảm 1,3 điểm, UPCoM cũng giảm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch đạt 16.160 tỷ đồng. Khối ngoại mua bán trầm lắng hẳn khi chỉ đóng góp hơn 1.500 tỷ đồng giá trị giao dịch. Họ tiếp tục một phiên bán ròng gần 200 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG, GAS, VCB, VIC, VHM, VNM, REE, NVL, SSI, DXG… Một số mã được mua vào với giá trị trên dưới 10 tỷ đồng là CTD, DPM, FRT, SAB, DCM…

Mặc dù bị khối ngoại bán mạnh nhưng GAS vẫn là có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index hôm nay khi tăng 4,5%. Cùng với MWG +3,7%, FPT +2,2%, VPB +1,7% và BVH, HPG, MBB, SAB, SSI, TCB ở chiều tăng, chỉ số VN30 tăng 1,9 điểm.

Diễn biến giá của GAS thường tương đồng với nhóm xăng dầu. Tuy nhiên hôm nay thì ngược lại. Việc giá dầu giảm mạnh sau khi EU đạt thỏa thuận cấm 90% dầu Nga đã khiến các cổ phiếu dầu khí tiếp tục phiên thứ hai rớt giá. PVE giảm hết biên độ 14%. PTV giảm 4,6%, OIL giảm 2,7%... BSR vừa ra tin tốt (lãi sau thuế đạt 6.764 tỷ đồng, gấp 5,2 lần kế hoạch năm và vượt cả con số lãi cả năm 2021 vốn là năm lãi kỷ lục của công ty) nhưng cũng không có sự đột phá, kết phiên ở mức giá tham chiếu.

Về GAS, cổ phiếu này từ phiên 16/5 đến nay đã tăng 31%, từ mức giá 95.000 đồng lên 124.200 đồng. Trước đó, GAS đã trải qua một đợt giảm sâu từ vùng đỉnh 124.800 đồng (phiên 7/3). Là doanh nghiệp cung cấp khí hàng đầu Việt Nam, với tình hình tài chính ổn định và triển vọng đến từ các dự án khí LNG, cổ phiếu GAS được các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đánh giá hấp dẫn trong dài hạn.

Trong quý I/2022, doanh thu thuần của GAS đạt 26.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 52% và 70% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nguồn cung trên toàn thế giới thiếu hụt và giá dầu tăng đột biến do xung đột vũ trang khốc liệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt gia tăng theo chiều hướng gia tăng. Hiện toàn bộ lượng khí khô được cung cấp cho các khách hàng là các nhà sản xuất điện, phân bón và các nhà sản xuất công nghiệp khác với tỷ lệ lần lượt là 80%, 11% và 9%.

GAS tăng 31% trong 2 tuần. TradingView

GAS tăng 31% trong 2 tuần. TradingView

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu GAS sẽ tăng trong năm 2022 trong điều kiện giá dầu và khí đốt tăng cao trong thời gian dài khi Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất, ngày càng bị cô lập trong mua bán dầu khí với nhiều nước. Từ đó, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 16.300 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2021. Với mức tăng trưởng này, PHS ước tính giá trị hợp lý của GAS là 134.300 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh nhóm dầu khí, nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, vận tải – kho bãi, bảo hiểm, nông nghiệp cũng giao dịch tiêu cực. Trong khi đó, nhóm thủy sản vẫn tiếp tục nhận được dòng tiền vào nhiều hơn ra. Tăng mạnh nhất là ANV +6,7%, VHC +3,6%, ACL +1,9%, FMC +1,2%...

Nhóm công nghệ với sự dẫn dắt của FPT (+2,2%), CMG (+3,6%) cũng ở chiều tăng.

Đánh giá về thị trường chứng khoán giai đoạn này, ông Trần Thăng Long - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) trong chương trình Talkshow Chọn danh mục của Báo Đầu tư (2/6) cho biết, VN-Index đã tăng từ khoảng 660 điểm lên hơn 1.500 điểm từ năm 2020.

Vì không có gì là tăng mãi, nên phải có thời gian để thị trường điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu liên quan đến năng lượng, hàng hóa, không phải nhóm thanh khoản tốt nhất của thị trường, nên khi thị trường mức độ thanh khoản suy giảm sẽ không ảnh hưởng đến nhiều nhóm này.

Do đó, ông Long khuyến nghị nhà đầu tư có thể quan tâm đến một số nhóm được hưởng lợi từ nhu cầu thị trường như hóa chất, phân bón, cao su, lương thực thực phẩm, thủy sản… đặc biệt là 3 mã đầu ngành đó. “Giai đoạn này thị trường đang hạ nhiệt, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Với các cổ phiếu nằm trong top đầu, mức độ ổn định sẽ tốt hơn, nên khi thị trường hồi trở lại, mức độ quản trị rủi ro sẽ tốt hơn”, ông Long khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.