VN-Index lao dốc, HPG giảm gần hết biên độ khi khối ngoại đảo chiều bán ròng

HPG VN INDEX
15:51 - 07/02/2023
HPG và nhóm cổ phiếu thép giảm mạnh.
HPG và nhóm cổ phiếu thép giảm mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index lại có phiên giảm điểm sâu lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.065 điểm. Hàng loạt bluechip bị bán mạnh, HPG giảm gần sát sàn và bị khối ngoại bán ròng sau một thời gian miệt mài gom vào.

Ở ngưỡng 1.065 điểm, VN-Index đã đánh mất hơn 23 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index cũng giảm mạnh 4,5 điểm còn UPCoM giảm 0,4 điểm. Thanh khoản có phần cải thiện hơn với gần 13.000 tỷ đồng được giao dịch qua kênh khớp lệnh, trong đó khối ngoại chiếm hơn 2.000 tỷ đồng. Họ vẫn duy trì mua ròng nhưng đã giảm nhiệt khi giá trị mua ròng chỉ đạt 34 tỷ đồng trên sàn HoSE.

STB là mã được mua ròng nhiều nhất với 176 tỷ đồng. Ở vị trí thứ 2, CTG và chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cùng được mua ròng hơn 34 tỷ đồng. VNM và PLX được mua ròng hơn 20 tỷ đồng. Các mã được mua ròng ít hơn là GAS, VRE, BID, HCM, LCG...

Ngược lại, sau chuỗi ngày gom vào HPG, nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ra mạnh cổ phiếu đầu ngành thép với giá trị bán ròng 55 tỷ đồng. VCB cũng bị bán ròng 47 tỷ đồng, tiếp theo là VND, VHM, HSG (hơn 30 tỷ đồng), SHB, DGC, NKG, SSI (hơn 20 tỷ đồng)...

VN-Index hôm nay giảm sâu do áp lực lớn từ nhóm bluechip. Riêng VCB đã lấy đi 4,6 điểm của chỉ số khi giảm 4,2%. Sau khi vượt đỉnh, cổ phiếu của Vietcombank có phiên điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu.

HPG chính là mã tác động tiêu cực thứ hai khi giảm gần sát sàn 6,6%, lấy đi gần 2 điểm của VN-Index. Với mức giảm đó, cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát lùi xuống dưới vùng giá 20.000 đồng. Các bluechip giảm mạnh khác là PDR (giảm sàn), NVL (-5,2%), GVR (-5,1%), SSI (-4,8%), VPB (-3,2%), VRE (-3%)... Trong rổ VN30 chỉ có 4 mã giữ được sắc xanh khi kết phiên là FPT, GAS, STB và TPB.

Nhóm thép có diễn biến tiêu cực nhất khi mất đi 5,5% giá trị vốn hoá. Hai mã lớn của ngành khác là HSG và NKG đều giảm sàn. VGS và TLH giảm hơn 5%. Các mã SMC, TNS, TIS cũng giảm sâu.

Nhóm bị tác động mạnh tiếp theo chính là chứng khoán. Chỉ có BVS và HAC ở chiều tăng, còn lại đều giảm sâu với các mã đầu ngành VND -5,3%, SSI -4,8%, HCM -2,1%, VIX -3,6%...

Hai nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng và bất động sản cùng giảm hơn 2% giá trị vốn hoá. Nhóm ngân hàng cũng chỉ có 3 mã giữ được sắc xanh khi kết phiên là STB, TPB và SSB. Trong khi ngược lại, các cổ phiếu lớn đều mất giá đáng kể. Ngoài VCB thì BID, CTG, HDB, MBB, TCB, VPB, BID giảm 2-3%.

Tương tự, nhóm bất động sản bị kéo xuống bởi những mã đầu ngành như VIC -1,8%, VHM -2,4%, VRE -3,2%, NVL -5,2%, KBC -3,7%, DIG -5,6%, DXG -6%, CEO -5,6%...

Các nhóm còn lại cũng đa phần chìm trong sắc đỏ, chỉ có nhóm công nghệ thông tin tăng nhẹ 0,1%, nhờ FPT và sự góp sức của thành viên mới là VNZ của CTCP VNG. Phiên hôm nay, cổ phiếu này lại tiếp tục khớp lệnh 100 đơn vị và tăng trần lên mức giá 587.500 đồng.

Sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, so với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp thời điểm trước 1/2 khi VNZ có lệnh khớp đầu tiên kể từ khi lên sàn, thị giá đã cao hơn gấp 2,4 lần.

Theo quy định từ UBCKNN, tổ chức niêm yết hoặc đăng ký giao dịch sẽ phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên. Như vậy, VNZ sẽ phải có văn bản giải trình. Liệu văn bản này có giúp cổ đông và nhà đầu tư giải đáp được hiện tượng “độc lạ" tăng gấp đôi giá trị chỉ nhờ 500 cổ phiếu?

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.