VN-Index 'thủng' mốc 1.200 điểm, DGC vẫn được dòng tiền săn đón

DGC VN INDEX
16:11 - 22/09/2023
Cổ phiếu bất động sản và chứng khoán bị bán mạnh sau giai đoạn tăng nóng.
Cổ phiếu bất động sản và chứng khoán bị bán mạnh sau giai đoạn tăng nóng.
0:00 / 0:00
0:00
Sau đà bán tháo trên diện rộng vào phiên sáng, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index rút chân vào đầu phiên chiều, tuy nhiên áp lực bán sau đó vẫn rất lớn.

Kết phiên 22/9, chỉ số sàn HoSE “rơi” gần 20 điểm, về mốc 1.193,05 điểm. So với mức giảm sâu nhất trong phiên sáng là gần 35 điểm, VN-Index đã lấy lại được 15 điểm.

HNX-Index cũng giảm mạnh gần 9 điểm, còn UPCoM giảm 1,6 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt gần 35.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 3.500 tỷ đồng và bán ròng hơn 180 tỷ đồng trên HoSE.

VIC bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất với giá trị 128 tỷ đồng. MWG, chứng chỉ quỹ FUESSVFL, MSN bị bán ròng 32-44 tỷ đồng. Nhiều mã bị bán ròng trên dưới 20 tỷ đồng như PVT, KDH, VPB, NLG, VCI, VHM, DGW…

Chiều mua ròng dẫn đầu là VNM, với 103 tỷ đồng. VCB cũng được mua ròng 50 tỷ đồng, KBC 34 tỷ đồng, SSI, BID, FRT trên 20 tỷ đồng…

Thị trường hôm nay giảm mạnh do dòng tiền “tháo chạy” khỏi hai nhóm tăng nóng giai đoạn vừa qua là bất động sản và chứng khoán. Có 66 mã giảm sàn với nhiều các tên quen thuộc như VIX, VND, DIG, DXG, GEX, NKG, HSG… Tổng cộng có 678 mã kết phiên trong sắc đỏ. Ngược lại, chỉ có hơn 180 mã ở chiều tăng.

Nhóm chứng khoán ngoài VIX và VND thì hàng loạt mã khác cũng giảm hết biên độ, như AGR, APG, BSI, CTS, FTS, HCM… Không còn mã nào giữ được sắc xanh, nhiều mã giảm mạnh 7-10% như AAS, ABW, BMS, BVS, HBS, IVS, SBS…

Tương tự, nhóm bất động sản chỉ có số ít mã nhỏ không bị giảm giá. Ngoài DIG và DXG thì TCH, DPG, DXS, DRH… cũng giảm sàn. VIC, VHM, NVL, KBC cùng giảm hơn 4%. CEO giảm 7,7%, PDR giảm 6,7%, BCG, VCG giảm hơn 6%, NLG, HDC giảm hơn 5%...

Tại nhóm thép, HPG giảm gần 4%. HSG và NKG cũng giảm sàn. Đa số các mã khác đều chìm trong sắc đỏ.

Ngân hàng và thủy sản là hai nhóm hiếm hoi vốn hóa vẫn tăng nhẹ. Ở nhóm ngân hàng, VCB là trụ lực chính khi tăng 2,6%. Bên cạnh đó là STB +1,7%, BID +1,9%, EIB +0,5%. Còn lại các mã đều giảm giá, với LPB “rơi” mạnh nhất 4%.

Nhóm thủy sản nhờ lực kéo của ANV khi tăng 3,3%. ACL cũng tăng 1,3%. VHC, IDI, CMX đều đứng tham chiếu. FMC giảm 1,2%.

Cổ phiếu ngược dòng thị trường đáng chú ý là DGC. Trong nhóm phân bón hóa chất, khi DCM và DPM đều giảm sâu thì DGC vẫn tăng mạnh 4,3% lên mức giá 98.000 đồng, cao nhất kể từ tháng 7/2022. Cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 5/2023.

DGC đang được nhà đầu tư kỳ vọng khi giá phốt pho vàng - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và axit photphoric đang diễn biến tích cực. Đây chính là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.