VN-Index 'túc tắc' đi lên, PC1 lập đỉnh 17 tháng bất chấp cổ đông lớn rút vốn

PC1 VN INDEX
16:06 - 30/01/2024
Nhóm xây dựng và bất động sản diễn biến tích cực.
Nhóm xây dựng và bất động sản diễn biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù thanh khoản ảm đạm trước kỳ nghỉ Tết dài ngày, VN-Index vẫn “túc tắc” đi lên nhờ sự chú ý của dòng tiền vào các cổ phiếu có thông tin, triển vọng tích cực.

Kết phiên 30/1, chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mốc 1.179,65 điểm, tăng gần 4 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index tăng 1,6 điểm còn UPCoM tăng nhẹ. Như vậy, thị trường tiếp tục đối mặt ngưỡng cản quan trọng đã không thể trụ vững trong đợt “sóng nhẹ” đầu tháng 1/2024.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, với hơn 14.000 tỷ đồng được giao dịch trên kênh khớp lệnh. Khối ngoại sôi động hơn thường lệ với hơn 3.000 tỷ đồng, và mua ròng hơn 120 tỷ đồng trên sàn HoSE. Hai mã được mua ròng mạnh nhất là STB và PC1 với giá trị hơn 80 tỷ đồng. HSG và PDR cũng được mua ròng hơn 50 tỷ đồng, BCM và VCG hơn 30 tỷ đồng, KSB, HBD, HAG, HPG trên 20 tỷ đồng.

Chiều bán ròng dẫn đầu là VRE với 141 tỷ đồng, kế đến là KDC 105 tỷ đồng, VNM 76 tỷ đồng; VHM, MWG, VCI, SAB, VCB, DXG trên 20 tỷ đồng.

VN30 tăng 2,5 điểm lên mốc 1.182,71 điểm. Tích cực nhất là BCM của Becamex IDC với tỷ lệ tăng hơn 5%, lên mức giá 66.300 đồng/cp. Doanh nghiệp vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với khoản lãi sau thuế 2.050 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 6,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoản lãi quý cao nhất của BCM kể từ năm 2018 đến nay.

Một mã khác cũng hưởng ứng kết quả kinh doanh tích cực là MWG của Thế giới Di động, tăng 1,8% lên giá 45.400 đồng/cp. Trong báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh vừa công bố, doanh nghiệp bán lẻ cho biết doanh thu thuần cả năm 2023 đạt hơn 118.000 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước và thực hiện được 88% kế hoạch. Trong đó, Bách Hoá Xanh đóng góp 31.600 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, riêng quý 4/2023 tăng 31%. Theo MWG, trong tháng 12/2023, chuỗi Bách Hoá Xanh đã đạt mục tiêu hòa vốn, kỳ vọng sẽ có lãi ròng trong năm 2024.

Các bluechip có diễn biến tích cực khác là GVR, HDB tăng hơn 2%, STB tăng hơn 1%. Chiều giảm có BID, BVH, CTG, FPT, GAS, MBB, SAB... nhưng tỷ lệ điều chỉnh không đáng kể, chỉ có SAB giảm hơn 1%.

Nhóm xây dựng và bất động sản trở thành trụ cột để thị trường đi lên hôm nay. Ngoài BCM, các mã lớn như VIC, VRE, VHM, PDR, NLG, DIG, KBC, NVL, TCH... đều tăng giá. Một số mã bứt phá mạnh như HBC tăng trần lên giá 9.180 đồng/cp, IJC, TCD tăng gần 5%, DTD tăng hơn 7%.

Đáng chú ý là PC1 tăng gần 7% lên mức giá 30.750 đồng/cp, khớp lệnh đột biến hơn 20 triệu đơn vị. Đây là vùng giá cao nhất của PC1 kể từ tháng 9/2022. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, mã này đã tăng hơn 15% giá trị.

Cổ phiếu của Tập đoàn PC1 diễn biến tích cực trong bối cảnh mã giao dịch thoả thuận sôi nổi sau thông báo thoái toàn bộ vốn của nhóm cổ đông lớn BEHS. Trong công bố thông tin mới cập nhật, nhóm này cho biết đã thoái vốn thành công 73,28 triệu cổ phiếu PC1. Các giao dịch trên diễn ra từ ngày 22/1/2024 đến 24/1/2024, theo phương thức thoả thuận.

Các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép cũng giữ sắc xanh nhưng dòng tiền phân hoá. Như tại nhóm ngân hàng, tăng mạnh nhất là VAB +5,7%, OCB +3,7%, HDB +2,1%. Chiều giảm sâu nhất là VBB -1,9%. Các mã còn lại biến động trong biên độ hẹp, nhiều mã đứng tham chiếu.

Nhóm chứng khoán ghi nhận VND, SSI, SHS, VIX, HCM, BSI, CTS, MBS... đều tăng giá, với HCM tăng tốt nhất 1,9%. Nhiều mã đứng tham chiếu.

Nhóm bứt phá hôm nay là các cổ phiếu cao su, với DRC và CSM tăng trần, SRC tăng hơn 3%, BRC tăng hơn 2%. Nhóm bán lẻ cũng tăng đáng kể vốn hoá, ngoài MWG thì có FRT tăng 4,8%, DGW tăng 1,1%, MSN tăng 0,8%...

Tin liên quan

Đọc tiếp