'WEF và doanh nghiệp quốc tế coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam'

Việt nAM WEF
13:21 - 23/06/2024
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam. 

Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại WEF Đại Liên

Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc.

"Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực," Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ WEF Davos tháng 1/2024. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ WEF Davos tháng 1/2024. Ảnh: VGP

Chủ đề WEF Đại Liên năm nay là "Những chân trời tăng trưởng mới", với trọng tâm trao đổi, tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng mới, các ngành công nghiệp mới, phát huy vai trò của doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như chung tay ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể. Người đứng đầu Chính phủ sẽ chủ trì một số phiên thảo luận, đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về các vấn đề như cơ hội hợp tác, giải pháp mới cho các vấn đề phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn.

"Tôi tin tưởng rằng, sự tham gia và đóng góp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của hội nghị," Đại sứ Phạm Sao Mai bình luận.

Sự coi trọng cao độ của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc

Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp. Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và tham dự hội nghị WEF ở Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.

Chuyến đi cũng diễn ra trước năm 2025 - năm có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ song phương khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025).

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, thời gian tới hai nước cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp, các kênh, trong mọi lĩnh vực; tăng cường rà soát, đánh giá tình hình triển khai nhận thức chung mà lãnh đạo cao nhất hai Đảng đạt được.

Hai nước cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm, thực hiện việc đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới với: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Ông bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc "sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới".

Tin liên quan

Đọc tiếp