World Bank: Chi tiêu công của Việt Nam biến đổi lớn trong giai đoạn 2016-2020

TÀI CHÍNH Việt nAM
11:02 - 25/11/2021
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Sau 5 năm thực thi các khuyến nghị cải cách toàn diện, World Bank nhận định bức tranh chi tiêu công của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều khởi sắc.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố đánh giá chi tiêu công Việt Nam “Chính sách tài khóa hướng tới hiệu quả, bền vững và công bằng” với nội dung nhìn lại 5 năm cải cách toàn diện, trong đó nhận định bức tranh chi tiêu công của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều khởi sắc.

Trước năm 2015: bội chi ngân sách và nợ công ở mức cao

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới từng phối hợp nghiên cứu thực hiện báo cáo đánh giá chi tiêu công, trong đó nhận định đến năm 2015, chính sách tài khóa của Việt Nam đã đối phó hiệu quả với biến động chu kỳ, bao gồm việc tăng chi tiêu công nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những chính sách mặc dù giúp nền kinh tế không bị suy giảm mạnh nhưng đã dẫn đến bội chi ở mức cao, làm tăng mức nợ công, rút ngắn kỳ hạn nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách.

Về thu ngân sách, World Bank đánh giá đà tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao với tốc độ bình quân hàng năm trên 6% trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp nâng cao số thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Theo World Bank, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn bên ngoài, từ dầu thô và xuất nhập khẩu. Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu tăng từ bình quân 52,3% trong giai đoạn 2001-2005 lên đến 58,9% trong giai đoạn 2006-2010 và 68% trong giai đoạn 2011- 2015. Mức tăng tỷ lệ thu nội địa phần nào đã giúp bù đắp cho số giảm thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.

Tuy nhiên về chi ngân sách, đánh giá của World Bank cho thấy tỷ lệ chi tiêu Chính phủ trên GDP vẫn duy trì ở mức cao, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên (bao gồm chi trả lãi) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi NSNN bình quân chiếm 29,2% GDP, ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương. Bội chi ngân sách bình quân trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 5,5% GDP, cao hơn đáng kể so với các giai đoạn trước.

Về nợ công, tỷ lệ nợ công trên GDP đạt 61% năm 2015, trong đó, nợ Chính phủ chiếm 49,2%, theo World Bank.

Báo cáo chi tiêu công năm 2017 đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính, đảm bảo hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn NSNN. Các khuyến nghị tập trung vào 3 mục tiêu chính: đảm bảo bền vững tài khóa, nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả chi tiêu công, gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu công với những ưu tiên của quốc gia.

Giai đoạn 2016-2020: quy mô nợ công giảm mạnh

Sau 5 năm thực thi các khuyến nghị, World Bank nhận định khoảng 96% số khuyến nghị của báo cáo đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó trên 60% khuyến nghị đã hoàn thành. Bức tranh chi tiêu công của Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đã có nhiều khởi sắc.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, quy mô thu ngân sách được cải thiện, bình quân đạt khoảng 25,2% GDP. Tỷ trọng thu nội địa đạt tới 85,6% đến năm 2020, vượt mục tiêu của chiến lược tài chính (trên 80%) và Nghị quyết số 07-NQ/TW (đạt 84-85%).

Về chi ngân sách, tỷ trọng chi ngân sách trên GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 28% GDP, giảm so với mức 29,2% GDP trong giai đoạn 2011-2015.

Dự toán chi thường xuyên giảm từ mức 65,1% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 63,1% năm 2020. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,45% GDP, nằm dưới ngưỡng 3,9% GDP mà Quốc hội đưa ra, theo số liệu từ Bộ Tài chính.

Về tình hình nợ công, quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020. Theo đó, các chỉ tiêu dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài đều trong ngưỡng an toàn.

Đánh giá về việc tình hình chi tiêu công sau 5 năm thực hiện khuyến nghị của World Bank, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân cho biết thời gian qua, việc thực hiện báo cáo đánh giá chi tiêu công đã giúp tăng cường minh bạch ngân sách.

Cụ thể, luật NSNN đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng tính toàn diện và minh bạch của ngân sách, trong đó xác định rõ phạm vi thu, chi ngân sách, phạm vi và cách tính bội chi NSNN tiếp cận với thông lệ quốc tế. Thông tin về NSNN được công khai đầy đủ, kịp thời. Cổng Công khai NSNN do Bộ Tài chính xây dựng và triển khai đã góp phần củng cố kỷ luật tài khóa và cải thiện chỉ số minh bạch ngân sách quốc gia, qua đó cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tiến hành lập báo cáo tài chính Nhà nước, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, kiểm tra giám sát hoạt động tài chính Nhà nước cũng như đánh giá năng lực sự tín nhiệm của nền tài chính quốc gia.

Ảnh tác giả

"Việc thực hiện các khuyến nghị đã góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo dư địa ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện thành công mục tiêu “kép” năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất, Việt Nam giữ nguyên được hệ số tín nhiệm, nâng triển vọng lên tích cực”.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Nguyễn Minh Tân

Tuy nhiên, ông Tân cho rằng việc thực hiện khuyến nghị đến nay vẫn còn một số hạn chế, chẳng hạn một số quy định về tài chính - NSNN còn chậm sửa đổi, chưa theo kịp thực tiễn, việc triển khai quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn, việc bổ sung một số chính sách thu để bao quát nguồn thu và mở rộng cơ sở thu còn chậm, tính ổn định của chính sách không cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp