NSNN đã chi 30.400 tỷ đồng cho chống dịch, riêng Bộ Y tế 21.000 tỷ

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:48 - 17/10/2021
NSNN đã chi 30.400 tỷ đồng cho chống dịch, riêng Bộ Y tế 21.000 tỷ
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì phiên trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Phiên họp đánh giá kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, xác định các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hơn 30.400 tỷ đồng kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) chi cho phòng, chống dịch COVID-19

Tại phiên họp, báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết tính đến nay, cả nước ghi nhận 860.000 ca nhiễm COVID-19 và khoảng 21.000 ca tử vong. Trong đó, số ca nhiễm trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài hơn 5 tháng vừa qua chiếm tới 858.000 ca. 62/63 tỉnh thành ghi nhận các ca nhiễm COVID-19, chỉ riêng Cao Bằng đến nay chưa ghi nhận ca mắc nào.

Báo cáo nhận định tình hình dịch bệnh đến nay cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước; làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây hệ lụy lớn đến việc làm và sinh kế người dân. Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn do biến thể Delta dễ lây lan, gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Về nguồn tài chính chống dịch, Ban Chỉ đạo cho biết đã huy động từ nhiều nguồn như NSNN; vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ các nước. Tuy nhiên, tình hình tài chính và ngân sách đang gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.

Riêng kinh phí NSNN chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 cho đến nay là hơn 30.400 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan, bộ ngành Trung ương sử dụng hơn 25.200 tỷ đồng. Riêng Bộ Y tế sử dụng hơn 21.188 tỷ đồng, bao gồm 15.500 tỷ đồng chi cho công tác mua vaccine.

5.154 tỷ đồng được sử dụng hỗ trợ các địa phương, đặc biệt những nơi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như TP.HCM (2.000 tỷ đồng), Đồng Nai (500 tỷ đồng), Bình Dương (500 tỷ đồng), Hải Dương (270 tỷ đồng)...

Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 92,5 triệu liều vaccine COVID-19 và tiêm hơn 61 triệu liều. Tính đến ngày 16/10, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 60,2%, tiêm đủ 2 liều là 24,7%.

Nhiều chỉ tiêu phát triển khó đạt mục tiêu

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy đợt dịch lần thứ 4 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Báo cáo dự kiến 4/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: VGP)

Về mục tiêu kinh tế; tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42%, riêng GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất từng ghi nhận.

Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 lên tới 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay. Báo cáo ước tính có khoảng 560.000 người mất việc; khoảng 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; khoảng 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ hoặc buộc phải nghỉ luân phiên và khoảng 8,5 triệu lao động bị cắt giảm thu nhập.

Bên cạnh những số liệu đáng thất vọng, báo cáo của Ban Chỉ đạo vẫn cho thấy một số điểm sáng trong tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bình quân tăng 1,82% trong 9 tháng đầu năm, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.

Tình hình an sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả.

Các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương

Trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sự quan trọng của việc đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết. Trong đó nêu rõ: việc chống dịch phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc; giải pháp thích ứng và kiểm soát dịch COVID-19 phải linh hoạt, dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo sự hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Mục tiêu trước mắt, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ để nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ… Song song với đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine, tăng cường độ bao phủ vaccine.

Một số mục tiêu khác bao gồm: thúc đẩy các địa phương xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên nền tảng tiêm chủng vaccine. Tiếp đó, từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch; vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, vừa kiểm soát dịch bệnh.

Ban chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp áp dụng thống nhất các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải và lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch, tránh để xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách huy động nguồn lực cho phòng chống dịch COVID-19, thúc đẩy xã hội hóa công tác an sinh, hỗ trợ trẻ mồ côi, người mất việc làm, mất nguồn thu nhập...Quan trọng hơn, Chính phủ nêu rõ, cần tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa và nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.