Xây dựng Đề án phát triển mới để Phú Quốc cất cánh

CHÍNH SÁCH Phú Quốc
09:28 - 01/04/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc để đưa đảo ngọc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc.

Ngày 31/3, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Tại hội nghị, phân tích cơ hội, lợi thế của vùng đất này, các đại biểu đánh giá Phú Quốc có vị trí chiến lược về kinh tế, văn hóa, giao thương, du lịch, quốc phòng, an ninh cùng tiềm năng lớn phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế biển với bờ biển dài 150 km.

Theo TS Trần Đình Thiên, sau 20 năm, Phú Quốc đã có những bước tiến vượt bậc, cả về số lượng - quy mô, vị thế và chất lượng - tầm vóc. Xét riêng trong tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư cực mạnh, là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng hàng đầu của Kiên Giang và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2020, vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của Phú Quốc tăng nhanh, đạt 140.724 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của tỉnh.

TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Riêng về đầu tư, hiện Phú Quốc đã thu hút 338 dự án với số vốn 18 tỷ USD, số lượng doanh nghiệp đăng ký của Phú Quốc xếp trên 23 tỉnh thành so với cả nước với sự hiện hiện của các nhà đầu tư bất động sản và du lịch hàng đầu, phần lớn là các tập đoàn kinh tế tư nhân "thuần Việt".

"Dù phát triển vượt bậc nhưng TP Phú Quốc cơ bản vẫn vận hành trong khung khổ thể chế của một đơn vị hành chính cấp huyện thông thường," TS Trần Đình Thiên đánh giá.

Do đó, trong giai đoạn tới, chuyên gia này khẳng định cần tiếp tục "mở và nâng tầm phát triển" cho Phú Quốc, xác định rõ và đúng tầm vị thế vùng - quốc gia và quốc tế đặc biệt của Phú Quốc.

Đồng tình với TS Trần Đình Thiên, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị nghiên cứu để Phú Quốc có quy chế đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được quy định trong Hiến pháp; phân cấp, phân quyền theo mô thức bổ trợ, tất cả các thẩm quyền mà Phú Quốc có thể đảm nhiệm thì giao hết cho Phú Quốc, chỉ những thẩm quyền Phú Quốc không thể đảm nhiệm mới giao lên cấp trên.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc gắn với mô hình thí điểm chính quyền đô thị và Phú Quốc có thể có chính quyền đô thị đầu tiên thuộc 1 tỉnh. "Trước mắt, cần thúc đẩy đô thị hóa để Phú Quốc trở thành đô thị loại 1," bà Trà nêu.

Phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau 20 năm, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu trong Đề án phát triển tổng thể Phú Quốc theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, khẳng định sự đúng, trúng, hiệu quả trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với Phú Quốc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm và có thể phát triển tốt hơn. Phú Quốc cũng đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững như bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải phù hợp quy mô dân số, hạ tầng chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, dù thành phố có tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nguồn lực chưa được như mong muốn, bên cạnh đó là những bất cập liên quan quản lý đất đai, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...

Để Phú Quốc phát triển tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc, đề xuất cấp có thẩm quyền, đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực, con người Phú Quốc và Kiên Giang.

Nhấn mạnh một số quan điểm, tầm nhìn, Thủ tướng khẳng định việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm, đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Phú Quốc, góp phần cho sự phát triển của Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững; trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, thành phố hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch đẹp, an toàn, là nơi đáng sống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Phú Quốc thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thành phố cần thực hiện nghiêm các quy hoạch, trong đó có Đồ án quy hoạch chung Phú Quốc tới năm 2040 đã được phê duyệt, phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh, hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí, cảng hàng không, cảng biển; khu bảo tồn thiên nhiên...

Cùng với đó, đảo ngọc cần phát triển mạnh mẽ kinh tế biển kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục chú trọng tạo sự chuyển biến về chất, bảo đảm sự bền vững trong phát triển du lịch Phú Quốc.

Trong phát triển hạ tầng, Phú Quốc cần phát triển công nghiệp văn hóa, quốc tế hóa các bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới, xây dựng các trung tâm xử lý rác thải, xây dựng các hồ dự trữ nước ngọt, phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.