Xây dựng thương hiệu địa phương: Khó nhưng không thể không làm

XUẤT KHẨU BỘ CÔNG THƯƠNG
11:55 - 01/03/2023
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị giao ban tháng 2/2023. Ảnh: Cấn Dũng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị giao ban tháng 2/2023. Ảnh: Cấn Dũng
0:00 / 0:00
0:00

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong vấn đề thương mại, đến một thời điểm nào đó, Việt Nam có thể thua ngay trên chính sân nhà, do vậy phải xây dựng các thương hiệu địa phương, dù việc này không đơn giản nhưng cũng không thể không làm.

Tại cuộc họp “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023” chiều ngày 28/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan Thương vụ, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, năm 2023, với những chỉ số vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2, dự báo năm nay vẫn là một năm khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh tổng cầu của thế giới liên tục suy giảm, trong khi lạm phát còn cao và tỷ giá biến động.

Mặt khác, mặc dù Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới nhưng sản xuất trong nước (đặc biệt là khu vực nông, lâm, thủy sản), sản phẩm vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của nhiều thị trường xuất khẩu, còn phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch.

Ảnh tác giả

“Chúng ta nói nhiều về xây dựng thương hiệu, sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, triển khai các đề án xuất khẩu chính ngạch nhưng đến bây giờ vẫn còn nhiều nơi làm tiểu ngạch. Tại ĐBSCL, sản phẩm nông sản rất nhiều nhưng vẫn sản xuất theo thế mạnh địa phương, tập quán chứ chưa sản xuất theo phương thức chính ngạch”

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Sau khi ký các FTA, Việt Nam lại đã và đang chứng kiến những hàng rào kỹ thuật từ các thị trường do sự bảo hộ sản xuất trong nước như sản xuất carbon thấp, chuyển đổi năng lượng… Mặt khác, tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động bởi cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine còn chưa rõ hồi kết…, cũng có thể trở thành rào cản cho thương mại Việt Nam.

Cân bằng thương mại giữa các thị trường

Trước bối cảnh trên, tại hội nghị, Bộ trưởng cho biết, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phải nắm bắt diễn biến chính sách của các nước sở tại, khu vực để đề xuất qua Vụ thị trường khu vực. Từ đó có phản ứng chính sách phù hợp, bảo vệ quyền lợi của đất nước và hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Các Thương vụ cũng cần kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ quản trị, phương thức kinh doanh, sản xuất mới để phù hợp với thời đại. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, mở rộng thị trường, danh mục hàng hóa... Cùng với việc mở rộng thị trường truyền thống, cần phải đề xuất cân bằng thương mại ở các thị trường mới để tạo ra tính bền vững.

“Việt Nam chủ yếu xuất siêu sang các thị trường, trong khi thị trường nhập siêu chỉ có vài nước. Nếu chúng ta xuất siêu mãi thì chẳng ai chơi với ta”, Bộ trưởng nhận định.

Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong quá trình hợp tác thì các Thương vụ ngoài việc hỗ trợ để xuất khẩu thì còn cần hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước và quốc tế hợp tác đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, những ngành công nghiệp Việt Nam chưa phát triển.

Ảnh tác giả

“Chúng ta không muốn phụ thuộc vào một vài thị trường nhập khẩu thì cần phải cân bằng thương mại với các thị trường Việt Nam đang xuất siêu, để từ đó đa dạng nguồn cung trong nước, đồng thời tìm kiếm thị trường tiềm năng”

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

"Không đánh nhau với gió", cần quyết liệt xây dựng thương hiệu địa phương

Bộ trưởng Công Thương đề nghị hiệp hội, Cục Xúc tiến thương mại cần nghiên cứu để sớm ra mắt sản phẩm cẩm nang về danh mục, quy cách hàng hóa, tiêu chuẩn thị trường..., giúp các hiệp hội, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thông tin.

Vụ thị trường ngoài nước cũng cần phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại để triển khai xúc tiến thương mại quốc gia và kế hoạch xúc tiến trong năm có hiệu quả. “Không đánh nhau với gió, làm phải gắn với thị trường, phải có địa chỉ, có sự kiện”, Bộ trưởng ví von.

Đối với địa phương, Bộ trưởng cho rằng có 5 vấn đề cần quan tâm. Trước tiên, địa phương cần cử đại diện có quyền biểu quyết tham dự các sự kiện giao ban, xúc tiến...

Các địa phương cần chỉ đạo xây dựng đề án xây dựng thương hiệu sản phẩm của từng địa phương và thực hiện đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương đã xây dựng và được Chính phủ thông qua.

Ảnh tác giả

“Thị trường trước đây chúng ta coi là dễ tính thì bây giờ đã trở nên khó tính với hàng loạt tiêu chuẩn cao. Đến một thời điểm nào đó, hai bên thống nhất mở cửa, chúng ta đến hiên nhà còn mệt, hàng xóm có khi lại tiến tới tận bếp, ta thua ngay trên sân nhà của mình. Chúng ta phải xây dựng thương hiệu địa phương và đã làm thì phải đạt tiêu chí, không dễ nhưng cũng không thể không làm”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Các địa phương cần kết nối chặt chẽ hơn với các Thương vụ, tổ chức cho các doanh nghiệp của địa phương đến các thị trường nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp quốc tế đến địa phương.

Trong quá trình quy hoạch tỉnh, ngoài xây dựng chiến lược, đề án công nghiệp thương mại thì còn cần chú trọng xây dựng hệ thống logistics. Mục đích nhằm phát triển sản xuất và tổ chức xuất khẩu, đáp ứng thương mại điện tử.

Tin liên quan

Đọc tiếp