Xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Hà Lan: Một cây làm chẳng nên non

Thương Mại Hà Lan
21:20 - 13/09/2022
Xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Hà Lan: Một cây làm chẳng nên non
0:00 / 0:00
0:00
Trước bối cảnh thương hiệu Việt gần như "lu mờ" tại Hà Lan, thành viên Ban Giám đốc của Phòng thương mại Hà Lan tại Việt Nam Nga Đặng cho rằng, các doanh nghiệp cần đi cùng nhau xây dựng thương hiệu bởi nếu chỉ một doanh nghiệp thì khó có thể thực hiện.

Chiều ngày 13/9, hội thảo “Chiến lược kinh doanh tại Hà Lan - xuất khẩu nông sản sang Hà Lan/châu Âu ” do USAID LinkSME, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam (DBAV) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) được tổ chức tại Hà Nội.

Đánh giá về thị trường này, Tùy viên Hải quan Hà Lan Gussta Viser cho biết, đây là “cửa ngõ” của châu Âu khi 1/3 khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua thị trường này. Hà Lan còn đóng vai trò điểm kết nối trọng yếu giữa các cảng và khu công nghiệp của châu Âu và thế giới.

Do đó, nếu có thể xuất khẩu bền vững sang thị trường Hà Lan thì doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với thị trường châu Âu. Hiện nay, Việt Nam và EU có chung với nhau hiệp định EVFTA. Với FTA này, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Như vậy, hàng hóa Việt Nam vào Hà Lan sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn với các đối thủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế FTA mang lại thì nông sản Việt vẫn còn nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung.

Hội thảo diễn ra nhằm chuẩn bị tốt cho doanh nghiệp tham gia chương trình “Kết nối doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp & chế biến thực phẩm ngày 22/9/2022”.

Hội thảo diễn ra nhằm chuẩn bị tốt cho doanh nghiệp tham gia chương trình “Kết nối doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp & chế biến thực phẩm ngày 22/9/2022”.

Doanh nghiệp phải đi cùng nhau nếu muốn xây dựng thương hiệu Việt

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) Nguyễn Thị Hồng Minh, thị phần nông sản của Việt Nam tại khu vực EU (bao gồm Hà Lan) vẫn còn rất thấp, dù nông sản Việt có nhiều mặt hàng đứng top đầu thế giới về xuất khẩu (cà phê top 2, gạo top 2, thủy sản top 2…).

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 4 tháng đầu năm 2022 EU nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD hàng hóa nông sản, nhưng thị phần nông sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,1%. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do thương hiệu Việt chưa thực sự ghi lại dấu ấn đối với người tiêu dùng tại thị trường này. Thực tế, hàng hóa Việt gần như chưa có tên tuổi, ngay đối với các mặt hàng xuất khẩu lớn như gạo, cà phê.

Thành viên Ban Giám đốc của phòng thương mại Hà Lan Nga Đặng chia sẻ: “Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới. Tuy nhiên, khi tôi vào siêu thị của Hà Lan thì không thấy các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê có thương hiệu Việt Nam”.

Trước đó, tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ diễn ra trong tháng 4, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ Nguyễn Thị Thục cũng cho biết, bà đã khảo sát các siêu thị (bao gồm cả siêu thị người châu Á và người bản địa) tại Thụy Sĩ, tuy nhiên hàng Việt Nam lại không xuất hiện nhiều, chủ yếu là mặt hàng hạt điều.

Một số sản phẩm khác dù nguyên liệu có nguồn gốc từ Việt Nam, bao bì ghi tiếng Việt nhưng sản phẩm lại thuộc về quốc gia khác. “Việt Nam xuất khẩu hàng thô, cho nên khi qua nhiều công đoạn chế biến nó không còn cái gốc của Việt Nam”, bà Thục nhấn mạnh.

Như vậy, không chỉ tại Hà Lan mà ngay tại các thị trường khác trong khu vực châu Âu, thương hiệu Việt cũng đang bị "lu mờ" trước các đối thủ.

Đứng trước thách thức này, bà Nga khẳng định: “Doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu thì phải đi cùng nhau. Doanh nghiệp có thể xây dựng câu chuyện riêng nhưng cần thực hiện cùng nhau, chỉ một doanh nghiệp nỗ lực thì khó mà xây dựng được thương hiệu Việt tại Hà Lan".

Bà Nga cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng nên bán tên của mình chứ không chỉ riêng thương hiệu, để khách hàng biết được ai là người sản xuất, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng.

Doanh nghiệp cũng cần đưa ra chiến lược để nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Trong vấn đề xúc tiến, tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, tham gia tiếp cận, tìm kiếm với mục tiêu mở rộng thị trường. Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp