Xuất khẩu cà phê 5 tháng đạt gần 2 tỷ USD, thị trường Bỉ tăng mạnh

cà phê Việt nAM
10:53 - 17/06/2022
Xuất khẩu cà phê 5 tháng đạt gần 2 tỷ USD, thị trường Bỉ tăng mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Trong các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022, đáng chú thị trường Bỉ ghi nhận tăng trưởng tới 358% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 881.565 tấn cà phê, đạt 1,9 tỷ USD; tăng lần lượt 23,2% và 52,6%.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.278 USD/ tấn, giảm 1,0% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 21,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.250 USD/tấn, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm

Về thị trường, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều nước châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, riêng thị Bỉ tăng tới 358%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Đức là thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất, tiếp theo là thị trường Bỉ, Italia, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Giá cà phê nội địa và thế giới ghi nhận sự tăng trưởng lạc quan trong tháng 6/2022

Những ngày đầu tháng 6/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước tăng theo giá thế giới. Ngày 8/6/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 600 đồng/ kg so với ngày 28/5/2022, lên mức cao nhất

42.600 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất là 42.000 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng; mức giá 42.500 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.

Trong khi đó, giá cà phê thế giới tiếp đà phục hồi trong đầu tháng 6. Cụ thể, với cà phê Robusta, trên sàn giao dịch London kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 0,6% so với ngày 28/5/2022, đạt mức 2.109 USD/tấn. Tương tự, cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 9/2022 đạt 2.121 USD/tấn (tăng 1,2%); tháng 11/2022 đạt 2.112 USD/tấn (tăng 1,6%); tháng 1/2023 đạt 2.099 USD/tấn.

Tại cảng khu vực TP HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% có mức giá giao dịch là 2.164 USD/tấn. So với ngày 28/5/2022, mức giá này tăng 0,5% (tương ứng 12 USD/tấn).

Trước đó, từ đầu tháng 4/2022, giá cà phê thế giới đã bắt đầu ghi nhận giảm sau thời kỳ tăng trưởng trong tháng 3 do nguồn cung thiếu hụt.

Căng thẳng từ Nga – Ukraine đã khiến dòng vốn đầu cơ ồ ạt đổ vào các mặt hàng tăng nóng như vàng, dầu thô. Chính sách “Zero covid” từ phía Trung Quốc cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trì trệ, khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao. Do vậy, giá cà phê trong thời gian qua ghi nhận chiều hướng đi lùi.

Bước sang tháng 6, xuất khẩu cà phê Robusta từ Việt Nam chậm lại, cùng với đó là thời tiết tại vùng sản xuất cà phê tại Brazil không thuận lợi, khiến nguồn cung cà phê thế giới sụt giảm. Điều này đã tác động đến giá cà phê, đẩy giá trở lại quỹ đạo tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, đà phục hồi cà phê thế giới là không chắc chắn. Xu hướng tổng thể của thị trường có nhiều biến động do vẫn chịu ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng cà phê chưa được giải quyết. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với nhiều rủi ro và thách thức.

Sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại với nhiều tín hiệu tích cực từ Chính phủ Trung Quốc đưa ra có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thắt chặt hơn trong việc kiểm soát lạm phát, đồng USD lấy lại đà tăng.

Điều này làm các tiền tệ mới nổi suy yếu trở lại. Đồng real giảm so với đồng USD sẽ thúc đẩy người Brazil bán cà phê ra thị trường mạnh hơn. Bên cạnh đó, nguồn cung mùa vụ mới hiện đang dồi dào.

Tin liên quan

Đọc tiếp