Xuất khẩu cà phê sang New Zealand tăng 144% về trị giá

XUẤT KHẨU cà phê
11:13 - 23/08/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang New Zealand 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1.210 tấn, trị giá gần 3,2 triệu USD, tăng 106,5% về lượng và tăng 144,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022.

Tính riêng tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt 194 tấn, trị giá 583.707 USD, tăng 44,8% về lượng và tăng 48,0% về trị giá so với tháng 6/2023, còn so với tháng 7/2022 tăng 73,2% về lượng và tăng 108,2% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand trong tháng 7/2023 đạt mức 3.009 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 6/2023 và tăng 20,2% so với tháng 7/2022, theo Tổng cục Hải quan.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt mức 2.638 USD/tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến sang thị trường New Zealand. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến sang thị trường New Zealand ghi nhận mức tăng mạnh, tăng lần lượt 186,1% và 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là hai loại cà phê xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang New Zealand, chiếm lần lượt 76,48% và 23,03% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu.

Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica, loại cà phê chiếm tỷ trọng nhỏ (0,49%) trong giỏ hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường New Zealand, ghi nhận mức giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam vượt Colombia thành nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho New Zealand

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 6 tháng đầu năm 2023, New Zealand nhập khẩu cà phê đạt trên 8.000 tấn, trị giá gần 48,39 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh tế khó khăn và sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân như thói quen ăn uống tại nhà được duy trì nhiều hơn dẫn đến tiêu thụ cà phê trong ngành dịch vụ ăn uống giảm.

Về cơ cấu nguồn cung, 6 tháng đầu năm 2023, New Zealand giảm nhập khẩu cà phê từ các thị trường Brazil, Colombia, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Honduras và Papua New Guinea.

Theo ITC, Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho New Zealand trong 6 tháng đầu năm 2023, với 1.720 tấn, trị giá 8,19 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 27,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của New Zealand cũng giảm hơn 3 điểm % so với cùng kỳ, xuống 21,49% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Ngược lại, New Zealand tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, với tổng lượng nhập khẩu đạt 1.136 tấn, trị giá 2,54 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thay đổi này đã đưa thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của New Zealand tăng từ 10,58% của nửa đầu năm 2022 lên 14,19% trong 6 tháng đầu năm 2023. Nhờ mức tăng này, thị phần của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã vượt Colombia và trở thành nguồn cung cà phê lớn thứ 2 vào New Zealand.

Mặt hàng cà phê cũng là một trong số ít những mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu giảm do kinh tế nhiều biến động, người dân thắt chặt chi tiêu và hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu vẫn ở mức cao.

Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cà phê chủ yếu đến từ việc giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trưởng tốt trong năm 2023. Hiện giá xuất khẩu trung bình của cà phê sang các thị trường là hơn 2.418 USD/tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.