Bộ Công Thương đưa ra giải pháp xuất khẩu gạo bền vững

XUẤT KHẨU Gạo
14:03 - 21/08/2023
Bộ Công Thương đưa ra giải pháp xuất khẩu gạo bền vững
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương vừa đưa ra một số giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong những tháng cuối năm 2023, trong đó chú trọng vào phát triển thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt.

Theo Bộ Công Thương, tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do lệnh cấm xuất khẩu tại Ấn Độ, UAE, Nga; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; và diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)…

Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

7 tháng đầu năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn, như vậy, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.

Nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam

Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Về phát triển thị trường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà Việt Nam là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.

Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc. Đồng thời, khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà Việt Nam đã thâm nhập được trong các năm vừa qua như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…

Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan.

Về công tác kiểm tra, giám sát. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có các văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo đề nghị duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước, báo cáo tình hình tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu, đồng thời, chủ động bám sát tình hình thị trường thương mại toàn cầu để tổ chức phương án sản xuất, giao dịch, đàm phán phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; và chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Tin liên quan

Đọc tiếp