Hết nửa đầu tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo

XUẤT KHẨU Gạo
17:29 - 21/08/2023
Hết nửa đầu tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/8/2023, Việt Nam xuất khẩu được hơn 5,35 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,9 tỷ USD, tăng 17% về lượng và gần 35% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. 

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất thế giới

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 4,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,6 tỷ USD, tăng hơn 20% về lượng và hơn 31% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, tương ứng, giá xuất khẩu trung bình là 534,7 USD/tấn.

Sang nửa đầu tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 456.768 tấn gạo, trị giá hơn 266 triệu USD, nâng tổng lượng gạo mà Việt Nam xuất khẩu được từ đầu năm đến ngày 15/8/2023 là hơn 5,35 triệu tấn, đạt kim ngạch gần 2,9 tỷ USD, tăng 17% về lượng và gần 35% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Mức giá xuất khẩu trung bình đạt 538,7 USD/tấn, cao hơn mức giá xuất khẩu trung bình của 7 tháng đầu năm, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Mức giá xuất khẩu cao này là nhờ các nước tiêu thụ gạo như Trung Quốc, Indonesia, Philippines tăng mạnh nhập khẩu gạo sau khi Ấn Độ - thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho thế giới - ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo basmati vào ngày 20/7/2023. Cùng với đó, hiện tượng El Nino ảnh hưởng sản lượng lương thực nhiều nước, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp khi Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen…

Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mức giá xuất khẩu gạo 5% của Việt Nam ngày 18/8 đạt 628 USD/tấn, đạt cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu gạo, cao hơn 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn 40 USD/tấn so với gạo của Pakistan.

Tuy nhiên, so với một tuần trước (ngày 10/8), giá gạo xuất khẩu trên thế giới đã có sự giảm nhiệt, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 10 USD/tấn, trong khi của Thái Lan giảm tới 33 USD/tấn.

Ngoài ra, giá xuất khẩu gạo 25% tấm của Việt Nam tiếp tục duy trì khoảng cách lớn so với các thị trường khác khi đã tăng lên trên 600 USD/tấn, đạt 618 USD/tấn vào ngày 18/8.

Philippines tiếp tục dẫn đầu, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Indonesia tăng trưởng tốt

Xét về thị trường, dù vẫn chiếm thị phần số một nhưng xuất khẩu gạo sang Philippines ghi nhận sự giảm nhẹ về lượng nhưng vẫn tăng về trị giá, do giá xuất khẩu bình quân ở mức cao. Theo đó, 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 1,938 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm khoảng 39,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, trị giá gần 985 triệu USD, giảm nhẹ 2% về lượng nhưng tăng 6,5% về trị giá. Giá xuất khẩu gạo trung bình sang Philippines đạt hơn 508 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức giá trung bình cùng kỳ năm trước.

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp gạo chính cho Philippines. Khoảng giữa tháng 8 vừa qua, do lượng dự trữ ở mức thấp, Philippines đang đàm phán nhập khẩu lại gạo từ Việt Nam và Ấn Độ. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, Chính phủ nước này đang tính toán nhập khẩu 1,3 triệu tấn ngũ cốc, tuy nhiên chưa ấn định ngày nhập khẩu.

Thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai và cũng là thị trường có mức tăng trưởng rất tốt là Trung Quốc, khi nước này nhập khẩu 718.654 tấn gạo từ Việt Nam, trị giá hơn 413 triệu USD, tăng 54% về lượng và 70% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo trung bình sang Trung Quốc đạt 575 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi nước này mở cửa trở lại, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc liên tục ghi nhận mức tăng trưởng. Hai bên đã ghi nhận tháng thứ 3 liên tục xuất nhập khẩu tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam gặp khó vì người dân thắt chặt chi tiêu khi lạm phát tăng cao và tồn kho lớn.

Đứng thứ ba trong top 5 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Indonesia, quốc gia này đã tăng trưởng mạnh nhập khẩu mặt hàng gạo kể từ đầu năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Indonesia nhập khẩu 602.667 tấn gạo từ Việt Nam, trị giá hơn 299 triệu USD, tăng gấp 16 lần về khối lượng và gấp 16,3 lần về trị giá. Giá xuất khẩu gạo trung bình với thị trường này đạt 497 USD/tấn, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Mức tăng vọt nhập khẩu của thị trường này là do Indonesia đã quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2023 để nâng lượng gạo thu mua dự trữ từ 1,2 triệu tấn lên 2,4 triệu tấn nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Trong bối cảnh đất nước này cũng phải đối mặt với mất mùa, hạn hán do El Nino và lượng gạo dự trữ ở mức thấp.

Hai thị trường nhập khẩu gạo đứng thứ 4 và thứ 5 của Việt Nam là GhanaBờ Biển Ngà với khối lượng lần lượt đạt 323.452 tấn (tăng 45% so với cùng kỳ) và 306.820 tấn (giảm 23%), tương đương kim ngạch đạt 184 triệu USD (tăng 59%) và 155 triệu USD (giảm 13%). Mức giá xuất khẩu gạo trung bình của hai thị trường này lần lượt là 569 USD/tấn (tăng 10%) và 504 USD/tấn (tăng 12,5%).

Đứng thứ 6 trong các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam là một quốc gia trong khu vực ASEAN - Malaysia. 7 tháng đầu năm, thị trường này nhập khẩu 230.977 tấn gạo của Việt Nam, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 114 triệu USD, giảm 4%. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 492 USD/tấn, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính về giá trị xuất khẩu gạo bình quân, thì trong số 6 thị trường đứng đầu, mức giá xuất khẩu gạo trung bình cao nhất đến từ Trung Quốc với đơn giá trung bình 575 USD/tấn, kế đến là Ghana với mức giá trung bình 569 USD/tấn. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Philippines với mức 508 USD/tấn và Bờ Biển Ngà với 504 USD/tấn.

Hai thị trường trong khối ASEAN là Indonesia và Malaysia có mức giá nhập khẩu gạo ưu đãi hơn, ở mức 497 USD/tấn và 492 USD/tấn.

Một trong những thị trường có mức giá trung bình nhập khẩu tương đối cao đối với gạo Việt Nam đó là thị trường Mỹ, với đơn giá nhập khẩu trung bình đạt 740 USD/tấn, tuy nhiên, mức giá này đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2022. Australia cũng ghi nhận đơn giá nhập khẩu cao khi đạt mức trung bình 723 USD/tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp