Xuất khẩu thủy sản sang EU đạt hơn nửa tỷ USD 5 tháng đầu 2022

THỦY SẢN eu
13:30 - 27/06/2022
Xuất khẩu thủy sản sang EU đạt hơn nửa tỷ USD 5 tháng đầu 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 562 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, Hà Lan vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất, đạt 127,6 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ 2 là thị trường Đức, đạt 99,2 triệu USD; tiếp theo là Pháp đạt 43,5 triệu USD; Italia đạt 42,1 triệu USD…

Hiện tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thủy sản sang EU, chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này, đạt 303 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tôm chân trắng đạt 236 triệu USD, chiếm 76% thị phần xuất khẩu tôm sang EU, tăng 46%.

Nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam tăng vọt 75% đạt trên 50 triệu USD, chiếm 16,5% xuất khẩu tôm sang khối này.

Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú của Việt Nam được hưởng lợi ưu đãi thuế 0%; tôm chân trắng đông lạnh sẽ được giảm dần về 0% trong vòng 5 năm.

Top 3 thị trường trong khối gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng 58 – 91% nhập khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022.

Theo VASEP, tín hiệu tích cực tiếp theo là xuất khẩu cá tra sang EU năm nay hồi phục mạnh mẽ với mức tăng 89% trong 5 tháng đầu năm, đạt gần 89 triệu USD, chiếm 16% giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU. Đây là một mốc thay đổi đáng ghi nhận so với con số 10% trong năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Hà Lan tăng 80%, sang Đức tăng 89%, sang Tây Ban Nha tăng 90%, sang Bỉ tăng 104%...

Sản phẩm cá tra phile, cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) chiếm 93% với 82,5 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá nguyên con chiếm gần 5%, còn lại là cá tra chế biến chiếm 2%.

Xuất khẩu cá ngừ chiếm 12%, đạt 68 triệu USD, tăng 9%. Xuất khẩu cá ngừ sang Hà Lan, Bỉ tăng mạnh, lần lượt tăng 59% và 70%. Cá ngừ xuất khẩu sang EU chủ yếu là dạng cá ngừ loin/phile đông lạnh, chiếm 63% và cá ngừ hộp, chiếm 25%.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 77%, cá ngừ hộp tăng 14%. Đối với các sản phẩm cá ngừ khác lại ghi nhận xu hướng giảm, trong đó, cá ngừ chế biến khác giảm 63%, cá ngừ tươi/đông lạnh giảm 69%.

Tại thị trường châu Âu, tiêu thụ thủy sản có xu hướng bền vững và lành mạnh. Theo đó, người châu Âu ngày càng ưa chuộng sản phẩm cá thị trắng vì yếu tố sức khỏe, trong khi ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản ngày càng cao nên cơ hội cho cá nuôi nhập khẩu càng lớn.

Tháng 3/2021, Ủy ban châu Âu đã ban hành kế hoạch hành động phát triển sản phẩm hữu cơ, thúc đẩy, duy trì niềm tin của người tiêu dùng, đưa thực phẩm hữu cơ đến gần hơn với người dân. Thực phẩm hữu cơ, bao gồm thủy sản, trong thời gian tới dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý khi xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường này, đặc biệt là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc. Bởi người tiêu dùng EU đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm, cách thức sản xuất và hành trình đến bàn ăn tiếp tục tăng lên.

Tin liên quan

Đọc tiếp