224 mã giảm sàn, VN-Index rơi về ngưỡng 975 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:33 - 07/11/2022
Trên cả 3 sàn, số mã giảm sàn (224) thậm chí còn lớn hơn số mã tăng điểm (189)
Trên cả 3 sàn, số mã giảm sàn (224) thậm chí còn lớn hơn số mã tăng điểm (189)
0:00 / 0:00
0:00
Các chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà giảm điểm trong phiên chiều 7/11, kết phiên VN-Index loay hoay ở ngưỡng 975 điểm, trong khi VN30 và HNX-Index cũng không có chuyển biến tích cực.

Diễn biến tiêu cực của tuần trước được tiếp nối vào phiên đầu tuần ngày 7/11, thị trường mở cửa trong sắc đỏ và diễn biến tiêu cực tăng dần về giữa phiên sáng khi VN-Index giảm mạnh, đe dọa xuyên thủng mức thấp nhất hơn 2 năm qua ở ngưỡng 962 điểm.

Chốt phiên 7/11, VN-Index giảm 21,96 điểm (2,2%) về còn 975,19 điểm, VN30 giảm 25,07 điểm (2,51%) về 972,85 điểm, HNX-Index giảm 6 điểm (2,93%) về 198,56 điểm, UPCOM-Index giảm 2,01 điểm (2,71%) về 72,25 điểm.

Thị trường tiếp tục giảm trên diện rộng trong buổi chiều khi chỉ có 75 cổ phiếu tăng giá trên HoSE, 29 cổ phiếu tăng giá trên HNX, 85 cổ phiếu tăng giá trên UPCOM. Trong khi số mã giảm lần lượt là 383 và 167 và 194. Trên cả 3 sàn, số mã giảm sàn (224) thậm chí còn lớn hơn số mã tăng điểm (189).

Thanh khoản trong phiên cũng giảm tương đối so với thứ 6 tuần trước. Trên sàn HoSE, thanh khoản chỉ ở mức 646,8 triệu đơn vị với giá trị hơn 10.555 tỷ đồng, giảm 14,1% về khối lượng và 18,2% về giá trị.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu bất động sản ập đến ngay từ khi mở cửa phiên ngày 7/11 với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Trong đó, cổ phiếu PDR và NVL đồng loạt "trắng bên mua", với dư bán sàn lên tới hàng chục triệu cổ phiếu, trong khi khớp lệnh chỉ vài chục nghìn đơn vị.

Các cổ phiếu lớn khác như HDC, DIG, KDH, LDG, TCH, DXS, DXG, KHG, TDC, ITA, SCR, NGL, KBC cũng giảm kịch biên độ. Bất động sản chính là nhóm kéo giảm chỉ số VN-Index mạnh nhất phiên 7/11.

Phiên bán tháo diễn ra sau khi thị trường xuất hiện nhiều thông tin bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản. Gần đây nhất là Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố thông tin về việc bán giải chấp cổ phiếu PDR đối với ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt – và công ty liên quan Phát Đạt Holdings.

Trước đó, Chủ tịch DIG Nguyễn Thiện Tuấn cùng nhiều lãnh đạo các công ty khác như Hodeco (HDC) và LDG cũng bị bán giải chấp cổ phiếu.

Sóng bán tháo từ nhóm bất động sản cũng tạo áp lực lên ngành ngân hàng, thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn trong phiên chiều. Chốt phiên, chỉ có duy nhất KLB, ACB và VPB tăng nhẹ và đều dưới 1%, còn lại hầu hết giao dịch trong giá đỏ. Trong đó EIB nằm sàn từ sáng, HDB, LPB, TCB đồng loạt giảm kịch biên độ vào phiên chiều, ngoài ra STB, TPB, MSB, MBB, VIB, CTG cũng giảm mạnh trong khoảng từ 4%-6,6%.

Cổ phiếu chứng khoán giảm điểm không kém khi hàng loạt mã lớn lia lịa nằm sàn. Bên cạnh 2 ông lớn SSI và VND, những mã trụ của ngành là VIX, CTS, FTS, HCM, APG, BCG, VCI, SHS, APS, MBS đồng loạt giảm sàn, nhiều mã còn trắng bên mua.

Ngành thép cũng không thoát được đà giảm điểm. 2 ông lớn của ngành là HSG và NKG giảm sàn, trong khi anh cả HPG cũng giảm tới 6,5%. Các mã khác như SMC, TCN, POM cũng rơi lần lượt 5,4%; 6% và 7,7%.

Cổ phiếu ngành dầu khí có vẻ tích cực hơn các ngành khác, đặc biệt là hai đại diện trong rổ VN30 GAS và PLX tăng lần lượt 1,7% và 0,2%, bên cạnh đó, PVS (HNX) cũng tăng 1,4% lên mức giá 21.600 đồng/CP. Tuy vậy, các cổ phiếu khác trong ngành như BSR, PVD, OIL vẫn giảm từ 1,2%-3,5%, PET thậm chí còn giảm sàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.