5 giải pháp trọng tâm thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh

CHÍNH SÁCH Việt nAM
11:43 - 12/11/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch: Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128 đã được thực tiễn chứng minh là kịp thời và đang được các cấp, các ngành và người dân tích cực triển khai thực hiện.

Còn rất nhiều khó khăn, cần huy động mọi nguồn lực cho chính sách phục hồi

Sáng 12/11, theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh sự khởi sắc trong tháng 10, "chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài". Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải...; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn.

Tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục. Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề...

Về chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương "nỗ lực huy động mọi nguồn lực", triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: VGP

Trong bối cảnh nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư đang trên đà phục hồi, Thủ tướng đánh giá đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển, nhưng cũng vừa là thách thức lớn.

"Nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng đánh giá. Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp.

Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ảnh tác giả

Nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đồng thời, Thủ tướng cho biết sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm nhằm thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Giải pháp trọng tâm theo triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế cần gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero COVID) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Thực hiện tốt Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đồng thời kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Hai, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân. Phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Ba, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Bốn, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.

Năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến chủng mới. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển KT-XH, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH phù hợp, hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.