Gói phục hồi kinh tế: chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhưng thận trọng với hỗ trợ tiền mặt

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:02 - 11/11/2021
Gói phục hồi kinh tế: chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhưng thận trọng với hỗ trợ tiền mặt
0:00 / 0:00
0:00
Phản hồi về đề xuất hỗ trợ tiền mặt khoảng 3-4% GDP, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nguy cơ lạm phát rất cao nếu tăng cung tiền vào thị trường, cấp tiền cho người dân.

Ngày 11/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng về hàng loạt các vấn đề xung quanh giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công…

Nổi cộm trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã tập trung đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xoay quanh chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Bộ KH&ĐT đang được giao nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ.

Chính sách trong ngắn hạn nhưng phải tính đến tác động dài hạn, phải xem xét tính hấp thụ và khả năng vay trả của nền kinh tế

Mở đầu chất vấn, Đại biểu Mai Thị Thúy (đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ quốc tế cũng như phạm vi, quan điểm, mục tiêu của chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế mà Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu xây dựng.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đại dịch Covid-19 xảy đến là chưa từng có tiền lệ, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Bộ trưởng Dũng chỉ ra đặc điểm lớn của các gói hỗ trợ từ chính phủ các nước: quy mô lớn chưa có tiền lệ, bất chấp kỷ cương tài chính, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ chính phủ, thống nhất nhanh, quyết định nhanh, thực hiện dễ, triển khai nhanh. Do đó các nước sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và bắt đầu mở cửa kinh tế thì đều có tốc độ hồi phục tăng trưởng kinh tế rất nhanh.

Chẳng hạn, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ tổng cộng 27,9% GDP, khiến nợ công tăng thêm 21%, qua đó đẩy tổng nợ công lên tới 133% GDP. Quy mô gói hỗ trợ của Trung Quốc là 6,1% GDP, làm tăng nợ công thêm 9,7%, đẩy tổng nợ công 66,8% GDP.

Gói hỗ trợ của Thái Lan có quy mô 15,6% GDP, làm tăng nợ công thêm 9,4%, đẩy tổng nợ công 50,5%. Tương tự, Malaysia đã công bố gói hỗ trợ quy mô khoảng 8,8%, làm tăng nợ công thêm 8,2%, đẩy tổng nợ công lên 52,5% GDP.

Các gói hỗ trợ tập trung vào chính sách tài khóa (trợ cấp tiền mặt cho người thu nhập thấp, hỗ trợ tiền điện, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), hỗ trợ dòng tiền cho DN để duy trì lực lượng lao động…) và chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, tăng tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ, tăng thời hạn trả nợ…). Ngoài ra, một số quốc gia như Mỹ có thêm gói đầu tư cơ sở hạ tầng (1.200 tỷ USD) nhằm thúc đẩy phục hồi và tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Ảnh tác giả

"Về quan điểm xây dựng chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế cho Việt Nam: gói hỗ trợ quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, phải hỗ trợ cho cả phía cung và cầu, phải phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch phân bổ đầu tư công, kế hoạch tài chính công..., phải tập trung vào các chính sách có hiệu quả nhanh chóng kịp thời nhưng đồng thời phải lường trước các tác động dài hạn, song song phải xây dựng cơ chế thực hiện khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và xem xét khả năng hấp thụ, vay trả của nền kinh tế"

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Về mục tiêu, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ đặt ra 6 mục tiêu chính thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế như sau: phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn với đại dịch, đảm bảo sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5-7%, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN), an toàn hệ thống tín dụng, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân, người nghèo đối tượng yếu thế, tránh giải thể phá sản, thâu tóm doanh nghiệp.

Về đối tượng hỗ trợ, gói sẽ tập trung hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, ngành có tiềm năng phục hồi nhanh tạo động lực lan tỏa đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Về phạm vi thực hiện, gói hỗ trợ sẽ có phạm vi bao trùm trên cả nước nhưng với trọng tâm, trọng điểm nhất định theo từng địa phương, vùng miền.

Về thời gian thực hiện, Bộ trưởng Dũng cho biết gói hỗ trợ dự kiến kéo dài 2 năm, có thể bắt đầu ngay từ đầu năm 2022 nếu Quốc hội phê duyệt sớm. Theo Bộ trưởng Dũng, hiện các bộ, ban ngành liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng gói hỗ trợ để tạo động lực cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhìn “bài học nhãn tiền” năm 2009 để triển khai gói hỗ trợ hiệu quả

Đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về sự khác nhau giữa các gói kích thích kinh tế giai đoạn 2008-2009 và hiện nay, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn ĐBQH Nghệ An) cho rằng cần nhìn lại quá khứ để rút ra bài học cho chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế hiện tại.

Trả lời đại biểu Võ Thị Minh Sinh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận gói hỗ trợ nền kinh tế năm 2008-2009 còn nhiều bất cập lớn. “Gói hỗ trợ trước đây chủ yếu tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là 3 mục tiêu trọng tâm”.

Theo Bộ trưởng Dũng, gói hỗ trợ quy mô 122 nghìn tỷ (6,9 tỷ USD) thời điểm 2008-2009 mặc dù đã mang đến một số kết quả tích cực như đưa đất nước vượt qua khủng hoảng (Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên toàn cầu tăng trưởng dương với mức tăng trưởng 5,7% năm 2008 và 5,4% năm 2009), nhưng cũng để lại nhiều hậu quả chưa thể giải quyết cho đến nay, mà nguyên nhân nằm ở các bất cập như sau:

Một là chính sách mới tập trung về phía cung, khiến doanh nghiệp gặp khó về đầu ra.

Hai là chính sách hỗ trợ lớn nhưng thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, làm giảm hiệu quả và dẫn đến hiện tượng trục lợi chính sách, vốn không chảy vào sản xuất mà chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản do không kiểm soát chặt chẽ, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy về ổn định cân đối vĩ mô, lạm phát tăng cao (18,6% trong năm 2011).

Ba là đầu tư dàn trải, nợ đọng, lãng phí, đình hoãn…, nhiều dự án từ năm 2011 dừng lại đến nay không giải quyết được hậu quả, gói hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được, tạo hệ lụy lớn cho hệ thống tài chính.

Bốn là công tác kiểm tra giám sát thiếu chặt chẽ do chính sách tài khóa thiếu đồng bộ, chính sách tiền tệ thiếu linh hoạt, thực hiện chính sách trên nền tảng kinh tế vĩ mô thiếu ổn định từ giai đoạn trước, tăng trưởng cung tiền tín dụng luôn ở mức cao, hỗ trợ chưa sát thực tiễn, nhiều rào cản điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn…

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ giai đoạn 2008-2009, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 4 bài học để xây dựng chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế giai đoạn hiện tại:

Thứ nhất, cần có chương trình phục hồi tổng thể với quy mô đủ lớn, tính đến khả năng vay trả và hấp thụ của nền kinh tế.

Ảnh tác giả

“Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, giải ngân gói cũ chưa hết, bây giờ tung gói kích cầu đầu tư thì sao giải ngân kịp trong 2 năm tới?

Nếu cứ xây dựng chương trình hỗ trợ mà công tác giải ngân không đạt, nền kinh tế không hấp thụ được, kéo dài 5-10 năm thì...chết dở”

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Thứ hai, chương trình phục hồi vừa phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời vừa phải trọng tâm trọng điểm.

Thứ ba, tập trung hỗ trợ dòng tiền để ổn định tài chính, xem xét huy động nguồn lực quốc tế.

Cuối cùng, đặc biệt phải chú trọng kiểm soát rủi ro và giám sát chặt chẽ trong khâu thực hiện chương trình phục hồi.

Chấp nhận tăng bội chi ngân sách và nâng trần nợ công

Liên quan đến phương pháp triển khai các gói hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐBQH Lâm Đồng) có đề cập đến đề xuất hỗ trợ tiền mặt khoảng 3-4% GDP và tăng bội chi ngân sách, tăng trần nợ công. Đại biểu đặt câu hỏi liệu có nên chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công để xây dựng gói hỗ trợ đủ lớn, đủ liều cho nền kinh tế hay chọn hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều.

Phản hồi về đề xuất hỗ trợ tiền mặt khoảng 3-4% GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nguy cơ lạm phát rất cao nếu tăng cung tiền vào thị trường, cấp tiền cho người dân.

Về quan điểm tăng bội chi ngân sách và nâng trần nợ công, Bộ trưởng Dũng khẳng định Bộ KH&ĐT ủng hộ việc nới bội chi và nới nợ công trong một khoảng có thể kiểm soát để đảm bảo điều kiện tăng trưởng.

“Không tăng trưởng thì không đạt các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các mốc khát vọng đến năm 2030-2045 về việc đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển thu nhập trung bình cao… Như vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ hết các cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ dân số vàng, từ 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chúng ta sẽ lỡ nhịp cuộc chơi và tụt hậu… Cá nhân tôi cho rằng nên nghiên cứu đề xuất nới bội chi và tăng nợ công để vừa giải quyết vấn đề việc làm vừa thúc đẩy tăng trưởng quy mô kinh tế," Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, khi quy mô GDP tăng thì tự khắc tỷ lệ bội chi, nợ công sẽ giảm xuống. Nếu không nới bội chi, không tăng trần nợ công thì không có đầu tư, không đầu tư thì không có động lực phát triển, Việt Nam sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao và lỡ hết cơ hội tăng trưởng.

Nếu thực thi và kiểm soát tốt chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Dũng kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi ngay từ cuối năm 2022 và trở lại mức bình thường vào cuối năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.