APEC tìm ra 'chìa khóa' phục hồi kinh tế sau Covid-19

KINH TẾ APEC
11:27 - 11/11/2021
Các bộ trưởng và đại diện các nước thành viên tại Hội nghị Bộ trưởng APEC theo hình thức trực tuyến. Ảnh: APEC New Zealand 2021
Các bộ trưởng và đại diện các nước thành viên tại Hội nghị Bộ trưởng APEC theo hình thức trực tuyến. Ảnh: APEC New Zealand 2021
0:00 / 0:00
0:00
Trong Hội nghị cấp bộ trưởng theo hình thức trực tuyến của APEC hôm 10/11, tất cả 21 nền kinh tế thành viên đã đạt được đồng thuận về tầm quan trọng của thương mại tự do và gọi đây là "chìa khóa" để phục hồi sau Covid-19.

Các bộ trưởng từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã họp trực tuyến để thảo luận về cách thức chống dịch Covid-19 của từng nước thành viên. Ông Damien O'Connor, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand, người chủ trì cuộc họp, cho biết: “Tại phiên thảo luận, chúng tôi đã thống nhất một số điểm nổi bật, bao gồm một kế hoạch tự nguyện đóng băng các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cam kết tự do hoá thuế quan đối với vaccine và các vật liệu y tế khác”.

Ngoài ra, ông cũng cho biết có một thỏa thuận quan trọng về sự cần thiết phải tránh xây dựng rào cản thương mại để đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra.

“Chính thương mại tự do, công bằng và mở cửa sẽ giúp các nền kinh tế thoát khỏi đại dịch này. Chúng ta cần sự cởi mở hội nhập để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Thương mại sẽ là giải pháp cho những thách thức của chúng ta”.

Bên cạnh vấn đề tự do thương mại, các bộ trưởng cũng thảo luận về các bước khác để phục hồi kinh tế như mở lại việc di chuyển cho người dân. "Chúng ta cần tiếp tục mở đường cho việc nối lại du lịch quốc tế, nhưng không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực kiểm soát sự lây lan của Covid-19", các bộ trưởng thống nhất.

Tuy nhiên, hiện các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang tỏ ra chậm chạp trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Để thực hiện được mục tiêu kinh tế, các nước APEC nhất trí “sẽ tìm thêm các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc người dân đi lại an toàn trong khu vực để kinh doanh, du lịch và giáo dục”.

21 nền kinh tế thành viên của APEC chiếm gần 40% dân số thế giới và khoảng 60% nền kinh tế toàn cầu. Theo ước tính, từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 cho đến nay, có khoảng 81 triệu việc làm đã bị mất trên toàn khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Điều này đã tác động rất lớn lên các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các thành viên của APEC đều từ chối chủ nghĩa bảo hộ.

Hội nghị cấp bộ trưởng APEC diễn ra trước cuộc họp cấp cao trực tuyến vào ngày 13/11, có sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ đề sẽ được thảo luận bao gồm cách thức mở cửa biên giới mà không làm lây lan dịch bệnh, đảm bảo phục hồi sau đại dịch một cách công bằng và tiến tới một nền kinh tế không khí phát thải.

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nana Mahuta cho biết, các thành viên của APEC đều đạt thỏa thuận mạnh mẽ về việc ngăn chặn bất kỳ sự gia tăng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch nào. "Các khoản trợ cấp này vừa khiến cho nền kinh tế của chúng ta tốn hàng tỷ USD một năm, vừa tác động tiêu cực đến môi trường của chúng ta," bà nói thêm.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.