5 lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Indonesia và Việt Nam

Thương Mại Indonesia
08:25 - 27/07/2023
Tham tán thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam Ance Maylany tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Tham tán thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam Ance Maylany tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tham tán thương mại Indonesia Ance Maylany, hai nước Indonesia và Việt Nam có tiềm năng hợp tác phát triển trong 5 lĩnh vực, bao gồm năng lượng tái tạo, thủy sản, kinh tế số, nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Indonesia vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai nước duy trì đà tăng trưởng thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn.

Chia sẻ rõ hơn về những tiềm năng trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước và mục tiêu 15 tỷ USD này, tại Hội thảo Cơ hội giao thương với Indonesia do Đại sứ quán Indonesia tổ chức ngày 26/7, bà Ance Maylany, Tham tán thương mại Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam cho biết, tới năm 2022 kim ngạch thương mại Việt Nam - Indonesia đã đạt tới khoảng 14 tỷ USD.

Do đó, bà Ance Maylany khẳng định, mục tiêu 15 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, việc xác định đâu là những lĩnh vực tiềm năng đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt kết quả trên là điều quan trọng.

5 lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Indonesia và Việt Nam

Theo bà Ance Maylany, có 5 lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Indonesia và Việt Nam trong tương lai, bao gồm kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thủy sản và nông nghiệp.

Về kinh tế số, hiện cả Việt Nam và Indonesia đều có ưu thế về nhân khẩu học, trong đó Indonesia có 250 triệu dân, Việt Nam có 100 triệu dân và cùng sở hữu lượng dân số trẻ đông đảo.

Riêng đối với Việt Nam, bà Ance Maylany nhận định, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công tác giáo dục, khả năng kỹ thuật số cho các công ty tư nhân để có thể áp dụng tiến bộ công nghệ trong hoạt động kinh tế.

“Các startup của Indonesia như Gojek và Traveloka hiện đã hoạt động tại thị trường Việt Nam. Quan hệ đối tác có thể được tận dụng để thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm kinh tế số trong khu vực và trên thế giới”, Tham tán thương mại Ance Maylany nói thêm.

Bà Ance Maylany - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và ông Addy Perdana Soemantry - Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Bà Ance Maylany - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và ông Addy Perdana Soemantry - Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Thứ hai là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Bà Ance Maylany cho rằng, Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác phát triển thị trường công nghệ cao, đơn cử trong vấn đề xe điện. Hiện nay, Việt Nam đã có nhà sản xuất nội địa và Indonesia cũng đang phát triển pin xe điện. "Nếu chúng ta có thể tự phát triển thị trường dựa trên những gì sẵn có, việc này sẽ tốt hơn việc các thị trường khác muốn đầu tư gì vào ASEAN", bà Ance Maylany nói.

Thứ ba là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Indonesia và Việt Nam đều đang là đối tác của chương trình Just Energy Transition Partnership (Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng – JETP) và hai nước đều có cam kết với các quốc gia tài trợ trong việc mở rộng thị trường năng lượng tái tạo.

“Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của an ninh năng lượng trong phát triển kinh tế. Nếu một quốc gia muốn duy trì sự tăng trưởng, quốc gia đó cần đảm bảo đủ năng lượng cho sản xuất”, bà Ance Maylany nhấn mạnh.

Indonesia mong muốn ASEAN trở thành trung tâm sản xuất và đây cũng là mục tiêu của Việt Nam. Năng lượng xanh là một yếu tố các nhà đầu tư quan tâm do họ muốn thấy trung tâm sản xuất áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Indonesia và Việt Nam có thể bổ trợ lẫn nhau và tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác và cùng mang lại lợi ích trong lĩnh vực này.

Thứ 4 là lĩnh vực thủy sản. Mặc dù có diện tích vùng nước ít hơn Indonesia nhưng công nghệ xử lý thủy hải sản của Việt Nam lại đang rất phát triển. Do đó, ngành thủy hải sản giữa hai quốc gia có tiềm năng phát triển lớn, theo bà Ance Maylany.

Thứ 5 là về lĩnh vực nông nghiệp. Hiện các quốc gia ASEAN đều tập trung vào việc xuất khẩu nông sản và sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành công nghiệp bảo vệ với nhiều quốc gia và cũng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực.

Bà Ance Maylany cho rằng, đây là lĩnh vực các công ty tư nhân cần quan tâm vì nó có giá trị trong việc đảm bảo kinh tế bền vững. Indonesia mong muốn ASEAN trở thành nguồn cung lương thực thế giới trong tương lai và đây là một khía cạnh mà các công ty tư nhân cần tham gia và nhận thức nhiều hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp