Indonesia bổ sung thêm 1 tỷ USD để xây dựng thủ đô mới

Nusantara Indonesia
15:32 - 10/06/2023
Tổng thống Joko Widodo phát biểu về kế hoạch xây dựng thủ đô mới Nusantara, tại sự kiện Ecosperity Week ở Singapore, ngày 7/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joko Widodo phát biểu về kế hoạch xây dựng thủ đô mới Nusantara, tại sự kiện Ecosperity Week ở Singapore, ngày 7/6. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban ngân sách Quốc hội Indonesia Said Abdullah ngày 9/6 thông báo, cơ quan này đã phê duyệt khoản ngân sách bổ sung trị giá 15 nghìn tỷ Rupiah (1,01 tỷ USD) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng thủ đô mới Nusantara. 

Theo Reuters, phát biểu tại phiên điều trần với các bộ trưởng, ông Said Abdullah cho biết, khoản ngân sách trên sẽ được dùng cho việc xây dựng thủ đô mới trong năm nay. Trước đó, nước này đã phân bổ 22 nghìn tỷ Rupiah (1,48 tỷ USD) để phát triển Nusantara vào năm 2023.

"Vì vậy, vào tháng 6 (năm 2024), Tổng thống Indonesia có thể sẽ sống ở thủ đô mới", ông dự đoán.

Ảnh minh họa về Dinh Tổng thống tương lai của Indonesia ở Đông Kalimantan.
Ảnh minh họa về Dinh Tổng thống tương lai của Indonesia ở Đông Kalimantan.

Indonesia đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ quan hành chính quan trọng của thủ đô Nusantara, bao gồm các công trình Dinh Tổng thống, Tòa nhà Quốc hội và các tòa nhà của các bộ chủ chốt. Nước này đặt mục tiêu có thể hoàn thành dự án vào giữa năm 2024 và có ít nhất 16.000 công chức, quân đội và cảnh sát sẽ chuyển đến nơi này.

Tổng thống Joko Widodo đã cam kết chính phủ sẽ chỉ đầu tư 20% trong tổng chi phí ước tính 32 tỷ USD của dự án, phần còn lại là từ khu vực tư nhân.

Thủ đô Nusantara, với diện tích 561,8 km2, sẽ được đặt ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, cách thủ đô hiện tại là Jakarta khoảng 2.000 km về phía đông bắc. Nusantara sẽ có chính quyền cấp tỉnh - ngang bằng với 34 tỉnh của Indonesia, trong khi Jakarta vẫn sẽ tiếp tục là trung tâm tài chính và thương mại của quốc gia này.

Các kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia khỏi Jakarta do các nguyên nhân như ô nhiễm môi môi trường không khí, lũ lụt và tắc đường đã được đưa ra bởi nhiều thời tổng thống trước đó. Tuy nhiên chưa có một ai thực hiện được điều này cho tới khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền. Kế hoạch này lần đầu tiên được công bố vào năm 2019, tuy nhiên đã bị trì hoãn tiến độ do đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo ông Bambang Susantono, Chủ tịch Cơ quan Thủ đô Quốc gia Nusantara, thủ đô mới sẽ có khoảng 200.000 người dân vào năm 2024 và sẽ được kết nối bằng một con đường thu phí đến thành phố ven biển Balikpapan.

Trong vòng 10 năm tới, các đại sứ quán và văn phòng đại diện của tổ chức quốc tế tại Indonesia dự kiến sẽ chuyển văn phòng đến thủ đô mới và chính phủ Indonesia sẽ cung cấp đất xây dựng.

Cho đến nay, Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba di dời thủ đô của mình sau hai nước láng giềng là Malaysia và Myanmar.

Tin liên quan

Đọc tiếp