9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD nửa đầu năm 2022

XUẤT KHẨU Việt nAM
06:00 - 01/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt tới trên mức 20 tỷ USD.

Theo đó, trong tháng 6/2022, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, tăng 9,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4 tỷ USD, tăng 69%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, điện thoại và linh kiện đạt 28,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 21,2 tỷ USD, tăng 24,3%.

Trong nhiều năm qua, đây là 3 mặt hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đối với mặt hàng điện thoại và linh kiện, đây là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng qua.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ mới đạt 2,3 tỷ USD trong năm 2010. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 10 năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã tăng gấp 25 lần. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thì năm 2021 đã chiếm tới hơn 17%, tăng từ 2,3 tỷ USD lên mức 57,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, cần có kế hoạch phát triển dài hạn, xem xét ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Đồng thời hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và chương trình xúc tiến thương mại. Mặt khác, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam…

Hàng dệt may trong nửa đầu năm 2022 cũng đạt kết quả lạc quan, đứng vị trí thứ 4 trong bảng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đạt 18,5 tỷ USD, tăng 21,6%. Trong tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,8%.

Kết quả trên đạt được nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt, may đã vận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với 15 hiệp định có hiệu lực đã mở ra hành lang thị trường rộng mở. Trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ như hiệp định CPTPP thúc đẩy ngành công nghiệp sợi của Việt Nam phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may.

Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu, xung đột Nga – Ukraine tác động lên chi phí nguyên liệu, vận chuyển cũng như ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 11,9 tỷ USD, tăng 14.8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu giày dép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25,9%. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng tranh thủ mở rộng sang các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do.

Theo Bộ Công Thương, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA.

Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi. Do đó, mục tiêu năm 2022 tăng trưởng toàn ngành sẽ từ 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD là con số khả thi.

Trong tháng 6/2022, xuất khẩu phương tiện vận tải phụ tùng của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 5,8 tỷ USD, tăng 7,3%.

Trong tháng 6/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước biến động của thế giới, ngành gỗ Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Dù vậy, để tăng tốc xuất khẩu gỗ trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.

Đồng thời, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.

Cơ hội mà các FTAs mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, do một số hạn chế, các doanh nghiệp gỗ chưa tận dụng hết các cơ hội này. Chính vì vậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường có FTAs với Việt Nam chưa có nhiều bứt phá.

Đối với mặt hàng thủy sản, trong tháng 6/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 5,7 tỷ USD, tăng 39,6%.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và CPTPP đều ghi nhận tín hiệu tích cực. Trong đó, mặt hàng tôm sú đang chiếm ưu thế lớn tại EU nhờ các hiệp định FTA. Tại CPTPP, Việt Nam hiện là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia.

Với mặt hàng cá tra, xuất khẩu cá tra tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022 do nhu cầu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng cao trong khi nguồn cung toàn cầu giảm. Theo VASEP, thị trường châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tìm kiếm các mặt hàng thay thế cá minh thái của Nga trước các lệnh trừng phạt, trong đó cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội khi vốn là cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá minh thái. VASEP dự báo, cá tra của Việt Nam có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm 2022.

Ngoài các mặt hàng trên, xuất khẩu sắt thép cũng đạt 5,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về những triển vọng tăng trưởng của ngành thép trong năm 2022 của Việt Nam, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, bước sang năm 2022, khi gói kích thích kinh tế 2022-2023 được thông qua sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục.

Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150.000 tỷ đồng, cộng với mức 530.000 tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng khoảng 38%. Các doanh nghiệp ngành thép kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trong năm 2022 khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thêm vào đó, những sự điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và bất động sản sẽ giúp tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản trong những năm gần đây. MBKE dự báo những yếu tố này sẽ giúp thị trường thép trong nước sẽ có được sự phục hồi, tăng trưởng từ 15% đến 20%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.