ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng GDP 6,5% trong bối cảnh bất ổn toàn cầu

VĨ MÔ Việt nAM
16:00 - 06/04/2022
ABD cho rằng động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhiều về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
ABD cho rằng động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhiều về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
0:00 / 0:00
0:00
Với tỷ lệ tiêm chủng cao và thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có chính sách tài khóa mở rộng, ADB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ lên 6,7% năm 2023.

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng 6/4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam bối cảnh bất ổn định của kinh tế toàn cầu.

"Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và năm tới dù sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã thắt chặt thị trường lao động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Thách thức về mặt chính sách là đảm bảo thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng," theo ADB.

Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB, sáng 6/4. Ảnh: Phương Thảo.
Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB, sáng 6/4. Ảnh: Phương Thảo.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, ADB đánh giá các chuỗi cung ứng được nối lại, dự báo tăng trưởng các nước châu Á sẽ mạnh lên, lạm phát có xu hướng tăng nhưng trong tầm kiểm soát.

Theo ông Cường, Việt Nam có bức tranh phục hồi tương đối tích cực, ADB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,5% năm 2022 và sẽ tăng lên 6,7% vào năm 2023. Tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng COVID-19; sự chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

ABD cho rằng động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhiều về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực chế biến chế tạo cho thấy 81,7% số doanh nghiệp được hỏi tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn vào năm 2022.

Trong quý I/2022, tăng trưởng GDP đạt mức 5,0%, cao hơn mức 4,7% của năm trước.

Công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng đã lên 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng Hai so với mức 52,5 trong tháng 12/2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp .

ADO 2022 cho biết, sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa và giá hàng hóa toàn cầu tăng.

Các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng 3/2022 và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm nay.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại.

Nguồn: Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB.

Nguồn: Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB.

ADB dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng 8% –10% trong năm nay. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.

Đánh giá về khả năng thu hút đầu tư FDI và triển vọng xuất khẩu trong năm 2022, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng đây sẽ vẫn là một năm Việt Nam có nhiều thế mạnh về thị trường và cơ hội tiếp cận qua các FTA.

“Việc điều chỉnh lãi suất của FED sẽ tác động đến nhu cầu của thị trường, tuy có giảm nhưng nhu cầu sẽ vẫn tương đối lớn, do đó khả năng xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng”, ông Cường cho biết.

Liên quan đến gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam cho rằng, đầu tư và chi ngân sách của Nhà nước trong năm 2022 sẽ có dấu hiệu tăng, tuy nhiên tốc độ tăng tương đối chậm.

Các giải pháp tiền tệ của chương trình phục hồi kinh tế sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm lãi suất cho vay 0,5% –1,0% trong năm 2022 và tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023.

“Nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế lớn trong năm 2022”, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Việc cắt giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng phục hồi của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp đạt được chỉ tiêu này.

Ngoài ra, ADO 2022 cũng chỉ ra sự phục hồi của thị trường lao động và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Vẫn còn nhiều rủi ro cần đối mặt

Dù đánh giá cao triển vọng phục hồi kinh tế tích cực nhưng ADB cũng khuyến nghị Việt Nam cần lưu ý trước những rủi ro về dịch bệnh và các rủi ro khủng hoảng địa chính trị toàn cầu.

“Dịch bệnh Covid-19 vẫn là một trong những nỗi lo ngại hàng đầu đối với khả năng phục hồi kinh tế các nước, nhất là khi số ca nhiễm mới cao, việc xuất hiện các chủng virus Covid-19 nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế”, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam nhận định.

Rủi ro thứ hai được ông Cường nhắc đến là những tác động liên quan đến vấn đề địa chính trị toàn cầu. ADB đánh giá xung đột Nga – Ukraine tạo ra mức độ rủi ro cao hơn cuộc chiến tranh Iraq trước đây.

Nguồn: Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB.

Nguồn: Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB.

Một trong những hệ quả của cuộc xung đột đã làm cho giá dầu chao đảo rất mạnh, tuy có thời gian giảm nhưng lại trên đà tăng, không ổn định. Đây là rủi ro hiện hữu đối với sự phục hồi kinh tế của các nước.

Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do xung đột Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.

Chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh của Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng có thể gây nên biến động thị trường tài chính, các luồng vốn chảy ra và đồng tiền giảm giá được ADB dự báo gia tăng các rủi ro bất ổn tài chính trong khu vực.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đặc biệt lưu ý nếu các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được thực hiện chậm sẽ làm giảm tác dụng, nhất là đối với việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ.

“Việc giảm thuế VAT có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công. Tuy nhiên, các tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với chính sách giảm thuế VAT. Cần có các tiêu chí về đáp ứng điều kiện và thủ tục rõ ràng hơn để hỗ trợ thực hiện chính sách giảm thuế VAT một cách nhanh chóng”, Báo cáo ADO 2022 cho khuyến nghị.

Một cấu phần tài khóa quan trọng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%. Tổng giá trị cắt giảm thuế khoảng 49 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD).


Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.