Ấn Độ tiếp tục mua thêm than Nga bất chấp đe dọa cấm vận

Than ẤN ĐỘ
11:46 - 14/04/2022
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Ngay cả khi Mỹ cùng các đồng minh tại châu Âu đang ra sức kêu gọi thế giới tẩy chay hàng hóa từ Nga, nền kinh tế tỉ dân của châu Á là Ấn Độ có thể vẫn tiếp tục mua thêm than của Moscow sau khi đã mua dầu giảm giá của nước này.

Vào tuần trước, Ủy ban châu Âu đã đề xuất cấm sử dụng than của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ 5 lên nền kinh tế nước này. Theo CNBC, tuy đề xuất nhận được sự ủng hộ của các nước trong khối, khoảng thời gian loại bỏ hoàn toàn nguồn cung của Nga sẽ xảy ra vào tháng 8 chứ không phải ngay lập tức.

Nga là nước sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong năm 2020, 54% lượng than xuất khẩu của quốc gia này nhắm tới các thị trường châu Á. Trong khi đó, khoảng 31% xuất sang các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ở châu Âu.

“Cơn đói than” của Ấn Độ

Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu than luyện cốc để phục vụ cho các hoạt động sản xuất điện cũng như sản xuất công nghiệp của mình. Trong năm 2021, có tới 85% lượng than của nước này là lượng than nhập khẩu. Theo báo cáo về triển vọng năng lượng Ấn Độ năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, than đá chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ. Là nhà tiêu thụ, đồng thời là là nhập khẩu than lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vô cùng khổng lồ.

Do đó vào cuối năm ngoái, nước này thậm chí còn gặp phải tình trạng thiếu than do nhu cầu điện tăng vọt. Cơn đói than của Ấn Độ có thể sẽ được hưởng lợi từ một thỏa thuận thương mại lớn mà nước này đã ký với Australia hôm 2/4 do mặt hàng này đủ điều kiện để được dỡ bỏ thuế quan – mức thuế được thiết lập lên hơn 85% hàng hóa Australia xuất khẩu sang. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Australia sẽ không có đủ than để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong lĩnh vực sản xuất thép của Ấn Độ.

Cách duy nhất để cải thiện tình hình chính là lượng xuất khẩu than luyện cốc của Australia bị cắt giảm tại các nước khác để Ấn Độ có thể chiếm thị phần lớn hơn. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng thành hiện thực khi có ngày càng nhiều quốc gia cân nhắc chuyển dời nguồn cung khỏi Nga.

Theo ông Vivek Dhar, giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng Khối thịnh vượng chung Australia, do Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khỏi Nga – nước chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu than luyện cốc toàn cầu – viễn cảnh Australia cắt giảm nhu cầu để bổ sung cho thị trường Ấn Độ gần như là không thể.

Do nhu cầu than tăng vọt, Ấn Độ gặp phải tình trạng thiếu than vào cuối năm 2021. Ảnh: IANS

Do nhu cầu than tăng vọt, Ấn Độ gặp phải tình trạng thiếu than vào cuối năm 2021. Ảnh: IANS

Bất chấp đe dọa cấm vận, Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga

Tại một diễn biến khác, lượng nhập khẩu than từ Nga vào Ấn Độ trong tháng 3 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 2 năm trở lại đây theo dữ liệu từ công ty Kpler.

Cụ thể, ông Matthew Boyle - nhà phân tích hàng đầu của Kpler, bổ sung thêm rằng lượng than nhập khẩu của Ấn Độ đang ở mức 1,04 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Trong đó, khoảng 2/3 khối lượng hàng hóa của tháng 3 đến từ các cảng Viễn Đông của Nga và có khả năng cao là được gửi từ sau khi tranh chấp nổ ra vào cuối tháng 2. Ấn Độ vào tuần trước cũng đã khẳng định mình đang có kế hoạch tăng gấp đôi lượng nhập khẩu than cốc của Nga để sản xuất thép.

Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu hôm 24/2, Ấn Độ chỉ mua khoảng 2% tổng lượng than nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên trong một hội nghị tại New Delhi, ông Ramchandra Prasad Singh, Bộ trưởng Thép Ấn Độ tuyên bố nước này đang đi theo hướng nhập khẩu than luyện cốc từ Nga. Theo Reuters, ông cho biết Ấn Độ đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn than luyện cốc từ Nga nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể.

Ông Samir N. Kapadia, người đứng đầu bộ phận thương mại của công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group, cho biết Ấn Độ vẫn tiếp tục sử dụng mối quan hệ chuỗi cung ứng với Nga để mua các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu và than đá.

Ông đánh giá hai nước Nga - Ấn sẽ dựa vào một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương "để vượt qua một số thách thức về tài chính trên thị trường”. Nếu cơ chế này xuất hiện, Ấn Độ có thể mua năng lượng và cả các hàng hóa khác từ Nga ngay cả khi phương Tây hạn chế các cơ chế thanh toán quốc tế. Tuy logistics và vận chuyển sẽ là một thách thức, việc hoán đổi tiền tệ thanh toán giữa đồng ruble-rupee sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Ông Vivek Dhar nhận định rằng Ấn Độ và Trung Quốc với lợi thế quy mô nền kinh tế lớn và đông dân có thể sẽ tăng cường nhập khẩu than từ Nga. Do đó, tác động của các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực năng lượng của nước này sẽ bị yếu đi.

Trên thực tế, nguyên nhân dẫn tới kết quả này phần nào tới từ thời điểm mà các lệnh cấm vận được đưa ra. Các gói trừng phạt của EU lên việc nhập khẩu than của Nga tới vào đúng lúc mà nguồn cung than trên toàn cầu đang rất khan hiếm. Theo nhận định của Rystad Energy, nhu cầu than tăng vọt ở châu Á trong bối cảnh các quốc gia cố gắng giảm thiểu nhập khẩu khí đốt tự nhiên đắt đỏ còn đẩy giá than tăng vọt trong năm qua.

Trước những tiến triển này, Các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đã cảnh báo Ấn Độ về khối lượng nhập khẩu dầu tăng mạnh sẽ khiến nước này phải chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ.

Ông Kapadia chia sẻ, cho tới nay Nhà Trắng mới chỉ bắn hai “phát súng cảnh cáo”, gây áp lực và buộc Ấn Độ phải đứng về phe mình và tránh liên kết với Nga. Tuy nhiên nếu việc này vẫn tiếp diễn, có khả năng cao mọi chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo vào lần thứ 3 nữa.

Đọc tiếp