Ấn Độ tìm cách chung sống với than

NĂNG LƯỢNG ẤN ĐỘ
09:14 - 23/10/2021
Ấn Độ tìm cách chung sống với than
0:00 / 0:00
0:00
Do chưa thể tìm nguồn thay thế than đá sản xuất điện năng trong ngắn hạn, Ấn Độ yêu cầu có "không gian riêng cho phát thải carbon" cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế mới có thể phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Sự thiếu hụt trầm trọng về than và năng lượng ở Ấn Độ đang buộc ngành công nghiệp nước này phải cắt giảm sản xuất hoặc sử dụng nhiên liệu nhập khẩu chi phí cao. Nguyên nhân bởi nguồn cung cấp năng lượng được ưu tiên cho các nhà cung cấp phục vụ các khu dân cư. Tình trạng này có thể là một thách thức trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đẩy Ấn Độ vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Thực trạng này cũng chứng minh việc Ấn Độ hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào than đá như nguồn năng lượng chủ yếu. Theo thống kê than đang là nhiên liệu được sử dụng để cung cấp tới 72% nhu cầu sử dụng điện tại Ấn Độ hiện nay.

Nguồn nhiên liệu không thân thiện với môi trường này cũng sẽ được đem ra bàn thảo tại Hội nghị về Biến đổi khi hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), diễn ra vào cuối tháng này, nhằm thúc đẩy nỗ lực cắt giảm khí thải hiệu quả hơn để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Công nhân đội giỏ than củi tại một chợ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Công nhân đội giỏ than củi tại một chợ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Ấn Độ Rahul Sharma nhận định COP26 là cơ hội cuối cùng để cứu hành tinh trong bối cảnh “vô cùng bấp bênh”, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều năng lượng như nhôm khi than chiếm 40% chi phí sản xuất.

“Các khu dự trữ than của những nhà máy đang hoạt động tại Ấn Độ đã cạn kiệt đến mức báo động trong nhiều ngày qua. Việc nhập khẩu nhiên liệu hoàn toàn không khả thi vì giá than toàn cầu và cước vận tải biển đang tăng theo cấp số nhân”, ông Sharma nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để hạ mức dự báo tăng trưởng của Ấn Độ. Ông Pronab Sen, cựu trưởng ban thống kê của Ấn Độ, người đứng đầu Trung tâm tăng trưởng quốc tế cho rằng: “Hệ quả của tình trạng thiếu điện đang đè nặng lên ngành công nghiệp và sẽ tác động mạnh đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong nước”.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự báo rằng mức tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính 2021-2022 hiện là 9,5% sau tỷ lệ sụt giảm 7,5% vào năm 2020. Giá điện tăng cao có thể kéo theo lạm phát.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Ấn Độ là Trung Quốc cũng đang phải hứng chịu tác động nghiêm trọng trong sản xuất từ cuộc khủng hoảng điện năng tại nước này. Trung Quốc, quốc gia có lượng phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, từng tuyên bố sẽ đạt trung hòa với carbon vào năm 2060. Trong khi đó Mỹ là nước có hệ số phát thải lớn thứ hai thế giới, cũng đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Chính phủ Ấn Độ cho rằng nước này cần có “không gian carbon” để phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Tại Ấn Độ, chỉ có 66 triệu trong số gần 1,4 tỷ người dân nước này thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu, được cho là sống với mức tiêu dung từ 10-50 USD/ngày, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).

Những xe tải chở than tại các mỏ ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Những xe tải chở than tại các mỏ ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Cũng do mật độ dân số nghèo nên mức phát thải carbon bình quân đầu người ở Ấn Độ là 1,8 tấn, thấp hơn nhiều lần so với mức 7,4 tấn ở Trung Quốc và 15,2 tấn ở Mỹ, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.

Trong những năm tới, hàng triệu hộ gia đình Ấn Độ sẽ mua các thiết bị và phương tiện công nghệ hiện đại khi mức sống tăng lên. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết khi nền kinh tế mở rộng, dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ trải qua ​​sự gia tăng lớn về nhu cầu năng lượng như bất kỳ quốc gia nào trên toàn cầu vào năm 2040.

Ấn Độ đã đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. IEA cho biết năng lượng mặt trời hiện chỉ chiếm 4% nguồn cung cấp điện của quốc gia này, nhưng nó được thiết lập để tăng gấp 18 lần dự kiến vào năm 2040.

Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn đang có kế hoạch thúc đẩy sản lượng than thông qua việc mở rộng hoạt động của các mỏ và mở cửa lĩnh vực khai thác cho nhiều công ty tư nhân hơn với hy vọng nhiên liệu sẽ là lĩnh vực chính của việc phát triển hỗn hợp nguồn năng lượng từ 3 đến 4 thập kỷ tới.

Samrat Sengupta, Giám đốc chương trình biến đổi khí hậu tại Trung tâm Khoa học và Môi trường có trụ sở tại Delhi, cho rằng ngay cả khi bổ sung nguồn năng lượng tái tạo, nhu cầu về năng lượng của Ấn Độ lớn đến mức sự phụ thuộc vào than của nước này ngày càng tăng lên. Ông Samrat khẳng định hiện không có giải pháp thay thế nào cho than trong quá trình sản xuất nhiên liệu.

Thực tế là người dân Ấn Độ đã phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thay đổi khí hậu với các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt. Những yếu tố này dự kiến ​​sẽ trở nên thường xuyên hơn cùng với sự nóng lên toàn cầu. Đáng lo ngại là phần lớn than khai thác trong nước của Ấn Độ vẫn duy trì chất lượng thấp và gây ô nhiễm nhiều hơn so với chất lượng than mà nước này nhập khẩu.

IEA cho biết sự kết hợp giữa việc ngừng hoạt động khai thác than và ứng dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như thu giữ hydro và carbon, có thể đưa Ấn Độ đến đến gần hơn với mục tiêu trung hòa carbon giữa những năm 2060.

Trong một động thái để giúp Ấn Độ về vấn đề này, Tập đoàn Adani tuần này đã thông báo rằng sẽ đầu tư 50-70 tỷ USD vào hệ thống chuỗi giá trị năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới.

Gautam Adani, tỷ phú kiêm chủ tịch của Tập đoàn, dự báo việc chuyển giao công nghệ như hydro xanh (năng lượng không carbon) sẽ là “yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi” với Ấn Độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp