Ấn Độ vươn lên trong chuỗi cung ứng công nghệ, nhưng khó thay Trung Quốc

iPhone ẤN ĐỘ
07:14 - 14/02/2023
Ấn Độ vươn lên trong chuỗi cung ứng công nghệ, nhưng khó thay Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Khi Apple đang tính tới việc dịch chuyển một phần sản xuất khỏi Trung Quốc để đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng trong bối cảnh những đợt phong tỏa vì dịch và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Ấn Độ đã nổi lên như một giải pháp thay thế tiềm năng hấp dẫn.

Trong bài phát biểu hồi tháng 1/2023, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, trong năm 2023 này, Apple đang hướng đến mục tiêu sản xuất 25% tổng sản lượng iPhone tại Ấn Độ, tăng từ mức 5% - 7% hiện tại.

Tuyên bố của ông Goyal được đưa ra trong bối cảnh Foxconn, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple đang tìm cách mở rộng nhà máy và chuỗi cung ứng tại các quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam..., sau khi chứng kiến gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng tại Trung Quốc trong năm vừa qua.

Kể từ giữa năm ngoái, Apple đã đẩy mạnh nỗ lực đầu tư vào Ấn Độ. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có thể trở thành nơi đáp ứng nguồn cung cấp cho Apple trong tương lai?

Theo CNN, Giám đốc nghiên cứu Tarun Pathak của Counterpoint cho biết: "Về mặt lý thuyết, điều đó có thể thực hiện được, nhưng sẽ không xảy ra trong "một sớm một chiều". Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc là kết quả của hơn 2 thập kỷ hợp tác và Foxconn vẫn đang sản xuất 95% iPhone tại Trung Quốc".

Giáo sư Willy Shih tại Trường Kinh doanh Harvard nhận định: "Apple vẫn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc để có một tỷ lệ sản xuất đáng kể. Nhưng những gì họ đang cố gắng làm là đa dạng chuỗi cung ứng, để trong trường hợp môi trường kinh doanh xấu đi, họ sẽ có các lựa chọn khác thay thế". Giáo sư Shih gọi chiến lược này là "Trung Quốc +1".

Ông Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple nhận xét, Ấn Độ là một thị trường trọng tâm chính của công ty. Với hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ, Apple đã lập kỷ lục doanh thu hàng quý và tăng trưởng mạnh qua từng năm.

Nguồn nhân lực lao động dồi dào và giá rẻ, một trong những sức hút lớn đối với các công ty sản xuất. Cùng với đó, Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Trên cơ sở đó, giới chuyên gia dự báo, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, bất chấp lo ngại về suy thoái nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài Foxconn, Apple cũng bổ sung một số đối tác lắp ráp khác như Wistron và Pegatron vào danh sách sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ. Trước đó, các đối tác này đều có nhà máy tại Ấn Độ nhưng chỉ sản xuất các dòng iPhone đời cũ như iPhone 11, iPhone 12 và iPhone 13. Điều đó đã thay đổi vào năm ngoái, khi Apple bắt đầu sản xuất các thiết bị iPhone 14 mới ở Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi chúng được bán ra.

Một số doanh nghiệp lớn như Samsung đã bắt đầu đẩy mạnh chuỗi cung ứng tại Ấn Độ từ năm 2018. Samsung hiện sản xuất phần lớn điện thoại của mình ở Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm 20% sản lượng toàn cầu của công ty. Việc đa dạng hóa sản phẩm khỏi Trung Quốc của Samsung là do chi phí lao động tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt tại từ những công ty nội địa Trung như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.

Tuy nhiên, về phía Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, để lĩnh vực sản xuất đạt được con số 14% GDP, Chính phủ Ấn Độ đã phải vật lộn nhiều năm. Thêm nữa, trong khi, Trung Quốc thường xuyên đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng và các tuyến giao thông cho phép hàng hoá di chuyển dễ dàng thì Ấn Độ chưa có được tinh thần đó.

"Việc xây dựng những cơ sở sản xuất trọng điểm như vậy sẽ không dễ dàng gì, đòi hỏi Ấn Độ phải tính đến hàng loạt vấn đề từ hậu cần, cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân công sẵn có", ông Pathak chia sẻ.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.