An Giang: GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6,5%, kinh tế nhiều điểm sáng

An Giang ĐBSCL
10:55 - 28/06/2023
Lãnh đạo tỉnh An Giang tại Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023, khai mạc ngày 6/6 vừa qua. Ảnh: CTTĐT An Giang
Lãnh đạo tỉnh An Giang tại Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023, khai mạc ngày 6/6 vừa qua. Ảnh: CTTĐT An Giang
0:00 / 0:00
0:00
6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế của tỉnh An Giang có nhiều khởi sắc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và xuất khẩu. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 40%.

Thông tin từ Sở KH&ĐT tỉnh An Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng năm 2023 của tỉnh ước tăng 6,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (4,9%). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,29%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,51%; khu vực dịch vụ tăng 8,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,62%.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 19.661 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,5% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng khu vực công nghiệp với mức tăng 9%, ngành khai khoáng tăng 7,4%.

Về đầu tư, xây dựng cơ bản, ước giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023) đến hết 6 tháng đạt hơn 3.237 tỷ đồng, đạt 40,8% kế hoạch vốn đã giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,95%).

Trong tháng 6, An Giang đã tổ chức Lễ khởi công dự án Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Ngoài ra, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã kiến nghị bổ sung dự án “Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi qua cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C)”.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế địa bàn ước đạt 3.959 tỷ đồng, đạt 59,64% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 96,7% so với cùng kỳ. Trong đó ước thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 200 tỷ đồng, đạt 48,8% dự toán và bằng 75,8% so với cùng kỳ; thu nội địa là 3.759 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán và bằng 98,1% so với cùng kỳ.

Ước tổng chi ngân sách địa phương 8.636 tỷ đồng, đạt 45,6% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 134,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 3.395 tỷ đồng, bằng 229% so với cùng kỳ và chi thường xuyên là 5.241 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng số dư vốn huy động thực hiện đến nay ước đạt 64.920 tỷ đồng, tăng 2,97% so với cuối năm 2022. Trong đó, huy động trên 12 tháng là 18.666 tỷ đồng, chiếm 28,98% trên tổng số dư vốn huy động. Tổng dư nợ thực hiện đến cuối 6/2023 ước đạt 107.034 tỷ đồng, tăng 4,86% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ xấu chiếm 1,27% trên tổng dư nợ (tương đương 1.354 tỷ đồng).

Về tình hình thu hút đầu tư, tỉnh đã tiếp nhận 17 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 28.139 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 5 dự án; tổng vốn đăng ký là 172,1 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 dự án, tổng vốn đăng ký là 24.043 tỷ đồng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 39 dự án còn hiệu lực (trong đó có 10 dự án thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế quản lý) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 305,9 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 176 triệu USD (chiếm 57,53% tổng vốn đầu tư đăng ký), tạo việc làm cho 16.800 lao động.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng khá

Trong 6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế An Giang ghi nhận điểm sáng ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sau khi tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 về Danh mục các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch trong năm 2023.

Nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa được tổ chức, kích cầu tiêu dùng và du lịch của người dân như đăng cai Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL, ký kết quảng bá du lịch An Giang trên nền tảng TikTok, quảng bá sản phẩm OCOP An Giang ở các hội chợ, diễn đàn thương mại toàn quốc... Nhờ đó, tình hình thương mại - dịch vụ trên toàn tỉnh tăng trưởng mạnh.

Trong 6 tháng năm 2023, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 94.200 tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 15,84% so với cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 16.800 tỷ đồng, tăng 17,67% so với cùng kỳ.

Đến hết 6/2023, ước toàn tỉnh đón tổng số 6 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 15% so với cùng kỳ và đạt 75% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong 6 tháng năm 2023 ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và đạt 71% so với kế hoạch cả năm.

Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 cũng đạt nhiều kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so với cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm cá tra. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 581 triệu USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đạt như sau: Xuất khẩu gạo ước đạt gần 303.000 tấn, tương đương 163,6 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 5,72% về sản lượng và tăng 5,97% về kim ngạch.

Điểm sáng của xuất khẩu gạo là CTCP Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường EU trong năm 2023. Thị trường Indonesia, Trung Quốc sau mở cửa nền kinh tế có nhu cầu mua gạo cao; bên cạnh đó gạo còn xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Malaysia, Australia,… và một số thị trường như Nga, Bangladesh.

Xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 87.800 tấn, tương đương 196,8 triệu USD, so với cùng kỳ tương đương về sản lượng và kim ngạch. Hàng may mặc ước xuất khẩu đạt 60,8 triệu USD, tăng 8,12% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc vẫn tương đối ổn định ở thị trường Mỹ và thị trường châu Âu.

Tình hình doanh nghiệp ghi nhận tín hiệu tích cực khi tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có khoảng 151 doanh nghiệp và 65 đơn vị trực thuộc tái hoạt động; có 500 doanh nghiệp và 350 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới với tổng số vốn đăng ký mới là 4.640 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng 11,11% (tương đương tăng 50 doanh nghiệp), số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 12,9%, số vốn đăng ký tăng 13,17%.

Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 240 doanh nghiệp, giảm 5,88% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 45 doanh nghiệp, giảm 10%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.