An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa bởi xung đột Nga-Ukraine

Lương thực THẾ GIỚI
09:45 - 10/03/2022
Thu hoạch lúa mì tại làng Tersky, gần Stavropol, Nga. Ảnh: Bloomberg
Thu hoạch lúa mì tại làng Tersky, gần Stavropol, Nga. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang không chỉ làm xói mòn an ninh địa chính trị, an ninh năng lượng mà còn đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Nhân loại đang rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện khi hàng triệu người có thể sẽ rơi vào cảnh đói khát. 

Nga và Ukraine vốn chiếm tỷ trọng khổng lồ trong nguồn cung cấp nông nghiệp của thế giới. Hai quốc gia này đóng vai trò xuất khẩu các loại lương thực (lúa mì, ngô, dầu hướng dương,...), chiếm hơn 1/10 tổng lượng calo được giao dịch trên toàn cầu. Giờ đây, các lô hàng đến từ cả hai quốc gia này hầu như đã cạn kiệt.

Trong hai tuần xảy ra chiến sự, thị trường hàng hóa ghi nhận mức giá tăng vọt, trong đó giá lúa mì tăng khoảng 50% và giá ngô vừa chạm mức cao nhất trong một thập kỷ. Chi phí tăng cao sẽ trở thành vấn đề lớn và đè nặng lên chính sách tiền tệ ở các thị trường mới nổi - nơi thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, dòng chảy xuất khẩu sẽ tiếp tục bị gián đoạn trong nhiều tháng ngay cả khi cuộc chiến có thể kết thúc vào ngày mai.

Máy thu hoạch kết hợp dỡ hạt lúa mì đã thu hoạch vào một chiếc xe tải ở Stavropol, Nga. Ảnh: Bloomberg

Máy thu hoạch kết hợp dỡ hạt lúa mì đã thu hoạch vào một chiếc xe tải ở Stavropol, Nga. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg bình luận rằng: "Có rất ít nơi nào trên hành tinh mà từ một cuộc xung đột như thế này có thể tạo ra một đòn tàn khốc đến mức không thể đảm bảo rằng nguồn cung cấp lương thực - vốn luôn dồi dào và giá cả phải chăng. Đây là lý do tại sao Nga và Ukraine được biết đến là một trong những quốc gia nắm giữ sự quan trọng của kinh tế toàn cầu".

Khủng hoảng lương thực khiến nạn đói gia tăng

Khi quay ngược thời gian trở về thời điểm đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xảy ra vào năm 2020, hình ảnh dòng người chạy quanh các cửa hàng thực phẩm và những kệ hàng trống rỗng do khan hiếm hàng hóa đã gây sốc cho thế giới khi đe dọa trực tiếp đến bữa cơm của gần 1/10 dân số toàn cầu.

Nhưng vào thời điểm đó, các kho dự trữ lương thực vẫn còn nhiều. Còn hiện nay, các kho dự trữ của nhiều quốc gia hiện đã giảm dần. Sự kết hợp của chi phí vận chuyển cao hơn, lạm phát năng lượng, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu người lao động đã khiến việc sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn.

Các nước ở Châu Phi và Châu Á là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào ngũ cốc Ukraine. Nguồn: FAO/Bloomberg
Các nước ở Châu Phi và Châu Á là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào ngũ cốc Ukraine. Nguồn: FAO/Bloomberg

Giá lương thực toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục, với Chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm - cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và tăng 40% trong hai năm qua. Tình trạng này đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu và nguy cấp hơn khi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính 45 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói.

Ông David Beasley, Giám đốc của WFP, cho biết: “Những viên đạn và pháo kích ở Ukraine có thể đưa cuộc khủng hoảng đói toàn cầu lên mức cao hơn bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây”.

Không chỉ có năng lượng, thế giới đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào Ukraine và Nga về lúa mì. Hai quốc gia này cũng là những nhà cung cấp lương thực giá rẻ, khiến xuất khẩu của họ được các nhà nhập khẩu ở Trung Đông và Bắc Phi ưa chuộng, bao gồm cả Ai Cập, nước mua lúa mì lớn nhất thế giới.

Giá lúa mì kỳ hạn giao dịch tại Chicago đạt mức giá cao kỷ lục hôm 8/3. Chủ tịch Eurasia Group, Ian Bremmer, nói rằng: “Bạn sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng của nạn đói trên khắp thế giới".

Nga và Ukraine chiếm 1/4 xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu. Nguồn: Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC)/Bloomberg
Nga và Ukraine chiếm 1/4 xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu. Nguồn: Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC)/Bloomberg

Lúa mì là một mặt hàng quan trọng cần theo dõi vì giá bánh mì từng gây ra tình trạng bất ổn trong lịch sử. Nguồn cung lúa mì từ Nga đã từng là gây ra một phần của bức tranh bất ổn lương thực toàn cầu. Năm 2010, đất nước này trải qua đợt nắng nóng kỷ lục tàn phá mùa màng và chính phủ cuộc cấm xuất khẩu.

Giá lúa mì trên thị trường quốc tế thời điểm đó ghi nhận mức tăng gấp đôi chỉ trong vài tháng, làm tăng giá bánh mì của hàng triệu người. Giá cả tăng vọt cùng sự kết hợp của các yếu tố khác đã gây ra các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập.

Ngay cả khi lúa mì của Nga không bị áp lệnh trừng phạt trực tiếp, thì lĩnh vực thương mại của nước này đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Một số đơn hàng lương thực của Nga vẫn đang được vận chuyển bằng đường bộ, trong khi các tàu thuyền chở hàng gần như bị đình trệ do hành động quân sự ở Biển Đen.

Tiến sĩ Scott Irwin, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois (Mỹ), cho biết: “Có khả năng xảy ra một lỗ hổng nghiêm trọng trong nguồn cung ngũ cốc thế giới vào năm 2022".

Hiệu ứng domino chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã định vị sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực, hơn là để cung cấp đủ lương thực. Vì vậy, các quốc gia khu vực châu Phi như Ghana và Cameroon có thể là những "người khổng lồ" trong thị trường ca cao, nhưng vẫn phụ thuộc rất lớn vào các lô hàng lúa mì.

Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu lương thực có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Nga và Ukraine và biết rằng thế giới sẽ không có đủ lúa mì hoặc lúa mạch, vì vậy thay vì xuất khẩu tiếp, họ chuyển sang bảo toàn nguồn cung. Điều đó có thể dẫn đến một hiệu ứng domino nguy hiểm, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến những người nghèo nhất thế giới và những nước phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu lương thực.

Đã có một số dấu hiệu ban đầu của chủ nghĩa bảo hộ trong sản xuất. Hungary đang cấm xuất khẩu ngũ cốc và Tổng thống Serbia hôm thứ 7/3 cho biết nước này sẽ sớm hạn chế các chuyến hàng lúa mì.

Một con tàu chở lúa mì xuất khẩu tại cảng Mykolaiv, Ukraine vào năm 2016. Ảnh: Bloomberg

Một con tàu chở lúa mì xuất khẩu tại cảng Mykolaiv, Ukraine vào năm 2016. Ảnh: Bloomberg

Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái vào tuần trước nhằm tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng ngũ cốc trong nước. Moldova đã tạm ngừng xuất khẩu lúa mì, ngô và đường từ tháng này.

Tại Cameroon, quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, giá các đơn hàng đã tăng 70%. Theo ông Jean Marie Kakdeu, Chủ tịch Liên minh Thúc đẩy Sản xuất Quốc gia Cameroon, giá dầu tăng cao khiến giá cước vận chuyển tăng cao kéo theo chi phí vận chuyển lúa mì cũng tăng.

“Đất nước chúng tôi có thể sẽ trải qua nạn đói nếu không tìm ra biện pháp để giải quyết”, ông cho biết.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã đoán trước tình hình bất ổn ở Nga và Ukraine và đã có các chính sách "lấp đầy lỗ hổng" lương thực toàn cầu. Ví dụ, Ấn Độ đã tăng xuất khẩu các lô hàng lúa mì trong những năm gần đây. Ông Vijay Iyengar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Agrocorp International có trụ sở tại Singapore, dự đoán quốc gia Nam Á này sẽ chứng kiến ​​xuất khẩu các mặt hàng ngũ cốc vượt kỷ lục 7 triệu tấn trong mùa thu hoạch năm nay nếu xung đột kéo dài.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể đảo chiều chính sách nông nghiệp. Nhiều quốc gia có thể lấp đầy thâm hụt nguồn cung toàn cầu lại đang gặp phải các vấn đề về sản xuất. Brazil, một nhà cung cấp ngô và đậu nành lớn của thế giới, đang trải qua một đợt hạn hán tàn khốc đang hủy hoại mùa màng. Thời tiết khô hạn cũng làm héo rũ những cánh đồng ở Canada và một số vùng của Mỹ vào năm ngoái. Nông dân ở Bắc Mỹ cho biết, họ đang trồng trọt nhiều hơn vào mùa xuân này, nhưng phải vài tháng nữa mới đến vụ thu hoạch.

Sẽ có những bữa ăn thiếu thốn

Tại khu vực chiến sự ở Ukraine, tình trạng thiếu thốn lương thực đang trở nên nghiêm trọng. Việc tìm kiếm các loại thực phẩm ở hầu hết các thành phố đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi những người lái xe tải được phân công để phân phối hàng hóa (gạo, khoai tây, nhu yếu phẩm,...) sợ ra ngoài vì sợ bị nhầm với xe quân sự và bị tấn công.

Ông Nate Mook, Giám đốc điều hành của nhóm cứu trợ lương thực cho biết: “Tôi tưởng tượng trong những ngày và tuần tới, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn".

Một người phụ nữ mua thực phẩm trong một cửa hàng bị hư hại do pháo kích ở Kharkov, thành lớn thứ hai của Ukraine, ngày 8/3. Ảnh: AFP
Một người phụ nữ mua thực phẩm trong một cửa hàng bị hư hại do pháo kích ở Kharkov, thành lớn thứ hai của Ukraine, ngày 8/3. Ảnh: AFP

Ở nước Nga cũng vậy. Nạn đói có thể sẽ gia tăng do các lệnh trừng phạt làm tổn hại đến nền kinh tế của quốc gia này. Trong những năm 1990, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iraq cũng từng gây ra cái chết của nửa triệu trẻ em do tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nạn đói đã gia tăng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, trong đó con số thiệt hại lớn nhất đến ở các khu vực châu Phi và châu Á.

Tiến sĩ Deepmala Mahla, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề nhân đạo của tổ chức phi lợi nhuận CARE cho biết: “Điều cuối cùng mà thế giới cần để tâm vào thời điểm này, đó là ngoài cuộc xung đột, nạn đói cũng đang gia tăng trên thế giới”.

"Tôi không thể tin được rằng trong thời đại ngày nay, vẫn còn rất nhiều người đang phải ngủ trong cơn đói. Thế giới vốn có khả năng và đang sản xuất nhiều hơn lượng lương thực cần thiết để nuôi sống tất cả mà", ông nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp