Áp lực chăm sóc gia đình thành rào cản phụ nữ tham gia hành chính công

Phụ nữ Việt nAM
22:56 - 19/10/2022
Các đại biểu nữ tham gia biểu quyết tại Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoá 13.
Các đại biểu nữ tham gia biểu quyết tại Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoá 13.
0:00 / 0:00
0:00
Trách nhiệm chính trong chăm sóc gia đình được các chuyên gia đánh giá là định kiến ngăn cản sự tham gia chính trị và hành chính công của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời tạo ra thách thức khi họ xây dựng uy tín trong công việc của mình.

Thêm gánh nặng từ khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Sự tham gia của phụ nữ vào bộ máy lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương đang đối mặt với những thách thức lớn. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện nay tuy đã cao hơn so với nhiệm kỳ trước nhưng mới chỉ đạt con số 30,26%,

Ở cấp địa phương, theo kết quả của UNDP qua điều tra Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong 2 năm qua, phụ nữ đặc biệt ít được tham gia vai trò đại diện, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo cấp thôn bản. Năm 2019, trong số 812 thôn được khảo sát, chỉ có 101 thôn (chiếm 12%) có lãnh đạo là nữ, còn lại 88% trưởng thôn là nam.

Từ các số liệu bằng chứng cụ thể, tại hội thảo “Phụ nữ tham chính và khởi xướng sáng kiến trong sự nghiệp phát triển đất nước” do UNDP tổ chức, ngày 19/10, bà Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã phân tích những rào cản mà phụ nữ đang gặp phải trong quá trình tham gia chính trị và hành chính công ở Việt Nam.

Kể về câu chuyện trong quá trình thực hiện nghiên cứu các yếu tố về bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bà Hồng cho biết, khi phỏng vấn người dân về một người phụ nữ và một người đàn ông có cùng các tố chất và năng lực vào một vị trí lãnh đạo, thì lựa chọn đều cho rằng người đàn ông phù hợp hơn.

"Lý do được đưa ra là người đàn ông sẽ có thể toàn tâm toàn ý cho công việc kể cả đêm hôm. Phụ nữ thì không, họ còn phải lo cho gia đình, chồng con. Hàm ý câu trả lời phỏng vấn này chính là nguyên nhân của các rào cản phụ nữ tham gia vào chính trị và hành chính công”.

Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng

Như vậy, rào cản chăm sóc gia đình đã trở thành định kiến ngăn cản tham gia chính trị của người phụ nữ. Điều đó cũng tạo ra thách thức trong xây dựng uy tín của phụ nữ trong công việc, họ dễ gặp phải phản ứng của cấp dưới hơn nam giới, bị đánh giá là thiếu quyết đoán hay ngờ vực về năng lực”, bà Khuất Thu Hồng phân tích.

Bên cạnh đó, theo bà Hồng, khẩu hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đang chất thêm gánh nặng lên vai người phụ nữ với rất nhiều chuẩn mực giới ràng buộc, khiến họ thêm vất vả và trở ngại.

Do vậy, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, xã hội cần thay đổi nhận thức về những công việc không được trả lương của nữ giới ở nhà.

“Để một người đàn ông có thể làm chính trị gia, phi công, kỹ sư hay bác sĩ... thì người phụ nữ ở nhà phải thu xếp, vun vén bao nhiêu công việc ở nhà: nấu cơm, giặt giũ, chăm con, chăm lo nội ngoại hai bên. Đây rõ ràng là những công việc nếu được trả lương thì hẳn là một con số không nhỏ”, bà Hồng phản ánh.

Hiện nay, trong các Bộ/ngành của Việt Nam thì tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo không đồng đều, tùy theo đặc thù công việc mỗi đơn vị. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đang nỗ lực toàn diện tốt lên từng ngày để thúc đẩy sự tiến bộ cho phụ nữ và thu hẹp bình đẳng giới.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc cải thiện còn cần đến từ các hoạt động tạo điều kiện tốt hơn cho nữ giới ở nơi làm việc, thiết kế công việc, môi trường làm việc phù hợp, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và điều chỉnh Luật lao động, chính sách an sinh xã hội.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Giải quyết điểm nghẽn từ nguồn nhân lực

Thông tin về thể chế pháp luật về bình đẳng giới trong chính trị, ông Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam chỉ còn 3 năm nữa để đạt mục tiêu 60% cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2025 và 35% đại diện của phụ nữ trong Quốc hội vào năm 2030.

Việt Nam đã thực hiện bình đẳng giới trong chính trị từ 1946, Quốc hội đầu tiên sau khi khai sinh đất nước ghi rõ: mọi người bình đằng; nam – nữ bình đẳng, đặc biệt về quyền chính trị.

Qua quá trình hoàn thiện thể chế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng khen ngợi so với các nước trong khu vực. Báo cáo Khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022 cho thấy, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia, cải thiện vị trí từ 87 vào năm 2021.

Tuy nhiên, từ quan sát tỷ lệ Bộ trưởng nữ còn khá khiêm tốn, ông Nghĩa nhìn nhận, trách nhiệm của cơ quan chính quyền rất quan trọng để các bước tiến trong Quốc hội được lan tỏa ra thực tiễn. Các cấp cơ sở là mục tiêu hướng tới trong thời gian tiếp theo và bình đẳng giới cần được thực hiện không chỉ ở khu vực công mà còn cả ở khu vực tư nhân.

Theo ông Hoàng Văn Nghĩa, điểm nghẽn lớn nhất là nguồn nhân lực, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

ể thay đổi điều này, việc đầu tiên cần làm là đấu tranh bình đẳng về tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu, từ đó thay đổi cách xây dựng luật và làm luật. Đây là cơ sở thay đổi tư duy, nhận thức. Điều này rất quan trọng để người phụ nữ thay đổi lộ trình, mục tiêu cuộc đời mình kể từ khi sinh ra”.

Ông Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

“Phụ nữ làm lãnh đạo cấp cao ở hệ thống chính trị của Việt Nam là rất ít vì đến thời điểm họ được xét lộ trình cũng là lúc đến tuổi nghỉ hưu. Do đó nên Luật hóa tỷ lệ tham chính của phụ nữ trong cả hệ thống chính trị”, ông Hoàng Văn Nghĩa cho biết thêm.

Tán thành và đánh giá cao những gì Việt Nam đã làm, Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khẳng định, phụ nữ ngày càng được coi là tác nhân tích cực của sự thay đổi. Cách tiếp cận của UNDP là trao quyền cho phụ nữ nhằm thúc đẩy tham gia bình đẳng trên các lĩnh vực.

“Lịch sử Việt Nam đã có những người phụ nữ truyền cảm hứng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu và truyền thống này sẽ được tiếp nối trong thời đại hiện nay. Tôi tin rằng, người phụ nữ Việt Nam hiện đại ngoài vai trò nội trợ sẽ tiếp tục làm nổi bật các vai trò khác”, bà Ramla Khalidi khẳng định.

Nhân dịp Hội thảo, UNDP đã ra mắt podcast đầu tiên ‘Hậu duệ của Hai Bà Trưng. Mỗi tập phim giới thiệu hành trình của những người phụ nữ từ mọi hoàn cảnh chia sẻ kinh nghiệm vận động cộng đồng và hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, kinh tế tuần hoàn… thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Podcast dự kiến ​​sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ và đảm bảo rằng tiếng nói của phụ nữ không bị 'bỏ lại phía sau' mà được lắng nghe ở mọi cấp độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.