UNDP Việt Nam: 'Hậu quả của tham nhũng không chỉ nằm ở số tiền bị mất'

UNDP Tham nhũng
16:33 - 18/10/2022
Hội thảo khởi động một dự án nhằm nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) tại Việt Nam, ngày 18/10.
Hội thảo khởi động một dự án nhằm nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) tại Việt Nam, ngày 18/10.
0:00 / 0:00
0:00
UNDP vừa khởi động một dự án mới nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng chống tham nhũng, trong đó tập trung vào thay đổi nhận thức về hậu quả của vấn nạn này và huy động sự vào cuộc của Chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp.

Xóa bỏ các kẽ hở trong khung pháp lý

Với sự hỗ trợ của Cục Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, sáng 18/10, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã khởi động dự án mới, nhằm nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) tại Việt Nam.

Dự án được khởi động từ ngày 21/5/2022 và kết thúc vào ngày 31/8/2024 với các hoạt động chính tập trung vào: Hoàn thiện khung chính sách và pháp luật về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản, chống rửa tiền; Hỗ trợ thực thi các khuyến nghị của báo cáo chu kỳ 2 công ước UNCAC và Chiến lược chống tham nhũng 2021 - 2030 của Việt Nam; Nâng cao năng lực cho các chủ thể ngoài Nhà nước trong phòng chống tham nhũng; Xây dựng và tích hợp giải pháp phần mềm vào hệ thống mua sắm đầu thầu y tế công.

Phát biểu tại hội thảo khởi động dự án, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực nhờ thành tựu đạt được từ công cuộc cải cách kinh tế từ năm 1986.

Mặc dù vậy, những điểm yếu trong khung pháp lý và thực thi pháp luật thường tạo kẽ hở cho hành vi tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách toàn diện nhằm nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào quản trị công.

"Mục tiêu của dự án mà UNDP khởi động hôm nay chính là để hỗ trợ công cuộc cải cách của Việt Nam. UNDP nhận thấy tầm quan trọng của việc đưa công tác phòng chống tham nhũng vào kế hoạch phát triển như một biện pháp xuyên suốt và cần thiết, từ đó thúc đẩy cách tiếp cận toàn xã hội, gồm Chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Nhấn mạnh thêm về cách tiếp cận, bà Ramla Khalidi cho rằng, phòng chống tham nhũng không phải công việc ngày một ngày hai mà là chặng đường dài, cần sự tham gia của nhiều bên liên quan.

“Ngày 9/12 sắp tới, UNDP sẽ tiếp tục thảo luận chính sách với Thanh tra Chính phủ Việt Nam để tiếp tục mở rộng giải pháp cho chặng đường về sau. Cuộc thảo luận hôm nay sẽ là bước đi đầu tiên cho những bước tiến tiếp theo”, Trưởng đại diện UNDP Việt Nam thông tin.

Cùng tham gia tài trợ một phần dự án, bà H.E Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nêu lên mục tiêu hướng tới của dự án này là thay đổi cách đánh giá của các bên liên quan về hậu quả tham nhũng, từ đó nâng cao nhận thức phòng chống.

"Cái giá phải trả của tham nhũng lớn hơn nhiều so với số tiền bị mất. Tham nhũng làm suy yếu khả năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm của Nhà nước. Tham nhũng rút các nguồn lực công ra khỏi giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và cơ sở hạ tầng hiệu quả - những loại hình đầu tư có thể cải thiện hoạt động kinh tế và nâng cao mức sống cho tất cả mọi người”.

Bà H.E Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

Đặc biệt, theo Đại sứ H.E Hilde Solbakken, tham nhũng trong đấu thầu y tế công dẫn đến việc không thể tiếp cận thuốc và công nghệ y tế, tăng giá cho bệnh nhân và tiếp tục thách thức việc đạt được quản trị liên quan đến sức khỏe tốt và phúc lợi. Vì lý do này, dự án đặt trọng tâm vào cải thiện chống tham nhũng và minh bạch trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam.

Hướng tới giải quyết tận gốc "văn hóa hoa hồng"

Nêu lên những nội dung tổng quát nhất về dự án sắp triển khai, bà Diana Torres, Quản lý Dự án (UNDP Việt Nam) nhìn nhận, Việt Nam đã những nỗ lực phòng chống tham nhũng với các bước tiến trong chính sách và gần đây nhất là sửa đổi luật phòng chống tham nhũng áp dụng cả khu vực kinh tế tư nhân.

Theo UNDP, tầm quan trọng của sử dụng dữ liệu trong PAPI là công cụ đánh giá phòng chống tham nhũng, trong 10 năm qua đã nhìn thấy sự cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, theo báo cáo về nhận thức của doanh nghiệp đối với mua sắm công được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 6/2022 cho thấy, hơn 1/3 số doanh nghiệp vẫn cho rằng “trả hoa hồng là điều cần thiết để nâng cao cơ hội giành được hợp đồng”. Con số này tăng lên 50% đối với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công.

“Kết quả này khiến chúng tôi có đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp cho rằng phải trả hoa hồng. Đây là hiện tượng ăn sâu và bám rễ vào văn hóa khi doanh nghiệp phải quen với việc sẵn sàng chủ động cắt hoa hồng”, bà Diana Torres nêu vấn đề.

Những thách thức này không chỉ xảy ra với Việt Nam Nam mà đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa việc thực hiện UNCAC, nhằm đảm bảo phục hồi sau đại dịch một cách công bằng cho tất cả mọi người và không để lại ai bị bỏ lại phía sau.

Quản lý dự án cũng khẳng định, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình này, giảm thiểu tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức. Do đó, dự án sẽ tăng cường nỗ lực kinh doanh có trách nhiệm đi cùng các dự án bổ trợ, như xây dựng bộ công cụ kinh doanh liêm chính cho các doanh nghiệp trẻ, tăng cường minh bạch trong điều tra PAPI.

Các khuyến nghị trong dự án được chia nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, bà Diana Torres cho biết, dự án sẽ tập trung vào cải thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và năng lực liên quan đến thu hồi tài sản, mở rộng định nghĩa về xung đột lợi ích. Hỗ trợ thí điểm Chỉ số đánh giá về chống tham nhũng cấp Bộ và cải thiện sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước về chống tham nhũng.

UNCAC là khung pháp lý đấu tranh chống tham nhũng đã được cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua bởi Nghị quyết 58/4 ngày 31/10/2003 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. UNCAC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/12/2005 sau khi hội đủ 30 quốc gia đầu tiên phê chuẩn.

Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm nhất UNCAC vào ngày 3/7/2009. Việc phê chuẩn công ước tạo thuận lợi cho công tác điều phối quốc gia và hợp tác quốc tế về vấn đề hết sức quan trọng này cũng như tạo cơ hội tốt hơn cho việc nâng cao năng lực và áp dụng các chuẩn mực quốc tế liên quan tới chính sách phòng chống tham nhũng.

Tin liên quan

Đọc tiếp