Bài toán kìm giá xăng dầu: Giảm thuế bảo vệ môi trường, chấp nhận hụt thu ngân sách

Xăng Dầu Việt nAM
12:45 - 21/03/2022
Bài toán kìm giá xăng dầu: Giảm thuế bảo vệ môi trường, chấp nhận hụt thu ngân sách
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh do ảnh hưởng của giá thế giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Nhiều kịch bản cực đoan cho giá dầu thế giới

Giá dầu tuần qua có thời điểm giảm sâu gần 30% so với mức đỉnh hơn 130 USD/ thùng để giao dịch ở mức chưa đầy 100 USD/ thùng. Kịch bản mà cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hồi giữa tháng 3 cho rằng giá dầu Brent quý II có thể dao động ở mức bình quân 116 USD/ thùng còn giá dầu WTI bình quân khoảng 113 USD/ thùng.

Nhưng giới chuyên gia không đồng tình với EIA. Đa số các ý kiến cho rằng giá dầu giảm mạnh vào tuần qua chỉ là hiện tượng nhất thời. Trong phần còn lại của năm, dự báo cả giá dầu Brent và WTI đều duy trì mức giá trên 100 USD/ thùng khi áp lực lên nguồn cung ngày càng lớn, nhất là do ảnh hưởng của chiến sự ở Ukraine.

Giá dầu Brent hiện giao dịch quanh mốc 110 USD, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đó chỉ là mức giảm nhất thời (Ảnh: Oilprice)

Giá dầu Brent hiện giao dịch quanh mốc 110 USD, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đó chỉ là mức giảm nhất thời (Ảnh: Oilprice)

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong năm 2021, với mức sản lượng khoảng 5 triệu thùng dầu thô/ ngày. Việc tìm nguồn cung dầu thay thế Nga là không dễ dàng.

Nhóm nghiên cứu Morgan Stanley tuần qua lại một lần nữa nâng dự báo giá dầu năm nay. Ông Martijn Rats, chiến lược gia hàng hóa của Morgan Stanley nhận định: “Lượng dầu tồn kho đã ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu trong phần còn lại của năm”.

Từ nhận định như vậy, các chuyên gia Morgan Stanley đã nâng dự báo kịch bản cơ sở cho giá dầu Brent trong nửa cuối năm từ mức 100 USD/ thùng trước đó lên 120 USD/ thùng. Trong kịch bản thị trường thắt chặt, Morgan Stanley cho rằng giá dầu Brent có thể lên tới 150 USD/ thùng trong suốt các quý còn lại của năm.

Đáng chú ý, đây không phải dự báo táo bạo nhất về lộ trình của giá dầu trong năm nay. Giám đốc quỹ đầu cơ người Pháp Pierre Andurand thậm chí đã phát biểu trên Bloomberg về khả năng giá dầu phá mốc 200 USD/ thùng trong năm nay. Vào năm 2008, ông này đã dự báo chính xác đỉnh kỷ lục của giá dầu.

Cái giá mà nền kinh tế phải trả trong kịch bản giá dầu cao từ nay đến cuối năm là rất đắt. Các nhà phân tích Goldman Sachs gần đây đã tăng dự báo nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2022 từ 10% lên 35%. Ngay cả Bộ trưởng Lao động Mỹ Marty Walsh gần đây cũng cho rằng suy thoái là khả năng hiện hữu trong bối cảnh giá xăng, giá khí đốt liên tục tăng.

Cựu quan chức Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Otmar Issing lên tiếng cảnh báo rằng lạm phát đình trệ là “rủi ro lớn nhất” mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.

Xem xét giảm thuế môi trường để bình ổn giá xăng dầu trong nước

Khi giá dầu thế giới liên tục nhích lên trong thời gian qua, giá xăng dầu trong nước cũng theo đà điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp, giá xăng tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/ lít mặc dù liên bộ Công thương - Tài chính đã chi mạnh từ Quỹ Bình ổn để trợ giá khoảng 500-1.500 đồng trên mỗi lít xăng dầu.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Quỹ bình ổn giá hiện nay chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng. “Chúng tôi thấy rằng tình hình rất căng khi giá thế giới biến động như thế. Để xử lý được nhanh nhất tình huống bây giờ chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường”, ông Diên nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi thấy rằng tình hình rất căng khi giá thế giới biến động như thế. Để xử lý được nhanh nhất tình huống bây giờ chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Theo Văn phòng Quốc hội, nội dung Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 sẽ được đưa vào chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được quyết định vào ngày 23/3/2022 tới đây. Trong Nghị quyết, Chính phủ đề xuất 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu so với hiện hành; tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng; 1.000 đồng mỗi lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.000 đồng mỗi kg mỡ nhờn và 700 đồng mỗi lít dầu hỏa.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đợt giảm thuế này dự kiến sẽ tác động tương ứng làm giảm giá mỗi lít xăng khoảng 2.200 đồng (gồm thuế VAT) và mỗi lít dầu khoảng 1.100 đồng (gồm thuế VAT). Như vậy cả năm, ngân sách nhà nước dự kiến giảm thu khoảng 29.035 tỷ đồng từ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nếu so sánh với cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, cũng được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ. Tại tọa đàm “Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị” gần đây, bà Đặng Nguyệt Minh, chuyên gia nghiên cứu tại Dragon Capital cho hay: “Hiện nay người Việt Nam đang phải trả khoảng 30 nghìn đồng cho mỗi lít xăng RON 95, cao hơn 15% so với trung bình các bang tại Mỹ, chỉ thấp hơn một số bang đắt đỏ tại Mỹ như California. Lý do là trong cấu thành giá xăng ta đang trả có tới 44% dành cho các loại thuế, phí. Vì vậy, đây cũng là một khoản để Chính phủ cân chỉnh, điều tiết trong trường hợp cần thiết”.

Còn tại Diễn đàn "Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định rằng có thể chấp nhận hụt thu ngân sách trước mắt để hỗ trợ nền kinh tế theo hướng giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, từ đó duy trì đà tăng trưởng sản xuất, thúc đẩy thuế từ sản xuất tăng trở lại để bù đắp cho phần hụt thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế của ngân hàng BIDV, mức hụt thu dự kiến 29.035 tỷ đồng mà Bộ Tài chính tính toán là mức ngân sách nhà nước có thể chịu đựng được. Tuy nhiên trong dài hạn, giải pháp căn cơ hơn để bình ổn giá xăng dầu, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến động giá thế giới là đa dạng hóa nguồn cung trong và ngoài nước, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.