Bangkok Bank hỗ trợ tài chính xanh cho Việt Nam trên 4 trụ cột

Bangkok bank TÀI CHÍNH XANH
19:01 - 29/06/2022
Bangkok bank tăng cường tài chính xanh hỗ trợ Việt Nam thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ảnh: PT
Bangkok bank tăng cường tài chính xanh hỗ trợ Việt Nam thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ảnh: PT
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dịp Việt Nam khởi động chương trình kinh tế tuần hoàn, đại diện Bankok Bank đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển tài chính xanh ở Thái Lan và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên 4 trụ cột là nông nghiệp, y tế, năng lượng và vật liệu.

Liên hợp quốc cảnh báo, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường đó là kinh tế tuần hoàn.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, tiếp cận hỗ trợ vốn tài chính là rất quan trọng. Chia sẻ tại phiên chuyên đề “tài chính và công nghệ kinh tế tuần hoàn” thuộc Hội nghị Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, ngày 28/6, ông Tharabodee Serng- Adichaiwit, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok Thái Lan nhận định, trong khu vực Châu Á, nguồn tài chính cho phát triển bền vững của Việt Nam còn khiêm tốn và hy vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Đối với Thái Lan, nền kinh tế tuần hoàn đặt trọng tâm nông nghiệp, thực phẩm, y tế, sức khỏe. Chính phủ Thái Lan cũng như các bên liên quan đã có một chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn. Giai đoạn vừa qua Thái Lan đã có phát triển vượt bậc theo hướng bền vững. Trong 5 năm tới, Thái Lan dự kiến kinh tế tuần hoàn sẽ chiếm 25% GDP.

Về sáng kiến, theo Tổng Giám đốc Bangkok Bank, Thái Lan tập trung vào 4 trụ cột chính: Nông nghiệp và thực phẩm; y tế và sức khỏe; năng lượng sinh học, vật liệu sinh học và sinh hóa; du lịch và công nghiệp sáng tạo. Cần đảm bảo tài chính cho 4 trụ cột này trên cơ sở thực tiễn và phân tích dữ liệu để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Ảnh tác giả

Thái Lan là chính phủ đầu tiên ở ASEAN phát hành trái phiếu bền vững được chứng nhận và vinh danh là nhà tiên phong trong thị trường xanh và đạt giải thưởng trái phiếu khí hậu 2021. Việt Nam cũng đang có những nét tương đồng so với quá trình Thái Lan đang làm do vậy, Bangkok Bank sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính trên 4 trụ cột trên”.

Ông Tharabodee Serng- Adichaiwit, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Ngân hàng Bangkok Thái Lan

Ông Tharabodee Serng- Adichaiwit cũng cho biết, các công ty Thái Lan đi tiên phong trong việc sử dụng công cụ tài chính bền vững, từ trái phiếu xanh đến trái phiếu liên kết bền vững. Riêng Ngân hàng Bangkok đã có sự chú trọng trong lĩnh vực tài chính xanh, đã có 65% trái phiếu xanh trên tổng trái phiếu được phát hành vào năm 2020 và 2021.

“Bangkok Bank đang là chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam xét về vốn đã có khoản vay Xanh loại B đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương được chứng nhận bởi sáng kiến Trái phiếu Khí hậu. Tham gia tài trợ cho 8 dự án điện năng lượng mặt trời và điện gió trên cả nước với tổng công suất 834MW. Trong thời gian tới, Bangkok Bank sẽ tiếp tục đẩy mạnh những khoản hỗ trợ này đóng góp vào chương trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”, Tổng giám đốc, Ngân hàng Bangkok nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, chia sẻ thêm về cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, bà Mira Nahouli, Cán bộ cấp cao của IFC cho biết, tổ chức này tập trung vào khu vực tư nhân, tận dụng các nguồn lực của của các tổ chức liên quan trong nhóm ngân hàng thế giới.

“Chúng tôi có một số công cụ: trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lục dành cho các dự án đáp ứng các tiêu chí. Yêu cầu các nhà phát hành phải đảm bảo tính minh bạch những tác động của doanh nghiệp với môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nông lâm nghiệp thông minh”, bà Mira Nahouli cho biết thêm.

Ngoài ra, đại diện IFC cũng thông tin tới các doanh nghiệp một số sản phẩm khác nhau của IFC không chỉ về đầu tư mà còn có cả các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững.

Cần có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất xanh

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, chia sẻ tại phiên thảo luận chuyên đề, TS. Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Mô hình kinh tế tuần hoàn mang tính khuyến khích, do đó trong thủ tục cần thực hiện để xã hội xác nhận kinh tế tuần hoàn nhưng không hành chính hóa việc này. Chính sách ưu đãi của Nhà nước không có quy định rõ ràng nhưng tiệm cận sang các quy định, điều khoản khác có dáng vóc của kinh tế tuần hoàn để được hỗ trợ lãi suất, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, ưu đãi thuế VAT… Từ đó, dẫn chiếu sang các quy định của pháp luật về quản lý các khu công nghiệp để tạo sự đồng bộ.

Ảnh tác giả

Một trong những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là Nhà nước đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thời gian tới, cần huy động nhiều hơn nữa ưu đãi cho doanh nghiệp từ Quỹ Bảo vệ môi trường; cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo lãnh tín dụng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường...”.

TS. Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

“Hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2023. Trong kế hoạch sẽ chỉ ra từng danh mục nào sẽ được áp dụng thí điểm trong đó có các thứ tự ưu tiên để kỳ vọng sớm gặt hái được thành công về mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông Toản thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp