Bảo hiểm BIDV đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2023 tăng mạnh

BẢO HIỂM BIDV
16:45 - 17/03/2023
Bảo hiểm BIDV đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2023 tăng mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV, HoSE: BIC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2023 (dự kiến diễn ra ngày 5/4), với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2023 đạt xấp xỉ 22%.

Cụ thể, tại kế hoạch kinh doanh năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ đạt 4.585 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 480 tỷ đồng, tăng lần lượt 22,3% và 21,9% so với thực hiện năm 2022.

BIC phân tích, năm 2023, nền kinh tế sẽ có một số động lực tăng trưởng hỗ trợ như du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ, đẩy mạnh vốn đầu tư công và chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng bảo hiểm Tài sản kỹ thuật.

Bên cạnh đó, tại báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam”, A.M.Best vẫn duy trì triển vọng ổn định đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và dự báo thị trường này sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng như năm 2022. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Ngoài ra, A.M.Best dự báo, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực vào đầu năm 2023 có thể làm tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm. Sự cạnh tranh cũng tạo động lực để các công ty thay đổi và phát triển.

Tuy nhiên, BIC cũng chỉ ra những thách thức cho thị trường bảo hiểm trong năm 2023 như tỷ lệ bồi thường một số nghiệp vụ gia tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường sau dịch bệnh. Đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới và con người. Trong khi đó, nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm và hoạt động đầu tư suy giảm do dự báo kinh tế khó khăn và thị trường chứng khoán giảm mạnh.

Việc tổng cầu thế giới giảm khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chững lại cũng tác động tiêu cực đến doanh thu của nhóm bảo hiểm hàng hóa. Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ có thể giảm tốc trong nửa đầu năm 2023 cũng khiến ngành bảo hiểm khó có thể có mức tăng trưởng tốt và làm gay gắt thêm mức độ cạnh tranh của thị trường bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng bởi dư luận, việc siết chặt quy chế bán chéo kênh ngân hàng - bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023 và việc Bộ Tài chính tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát thị trường bảo hiểm, đặc biệt đối với kênh bán bảo hiểm qua Ngân hàng (Bancassurance) đang là những yếu tố gây khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm nay.

Do đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Bảo hiểm BIDV đã đưa ra một số giải pháp trong năm 2023. Theo đó, BIC sẽ tiếp tục hoàn thiện và thành lập một số công ty thành viên mới, chính thức đi vào hoạt động nửa đầu năm 2023.

Nâng cao năng lực nhân sự thông qua xây dựng khung năng lực cán bộ bồi thường; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giám định bồi thường; xây dựng hình ảnh cán bộ bồi thường chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới đối tác liên kết trong giải quyết bồi thường; ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao hiệu suất lao động.

Công ty đã phê duyệt mức chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ dự kiến là 12%, với hơn 117 triệu cổ phiếu, công ty dự kiến chi gần 141 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông. Sang năm 2023, BIC đề xuất chi trả cổ tức tỷ lệ 12,5%, với tỷ lệ này công ty dự kiến sẽ chi ra khoảng 146,6 tỷ đồng cho việc trả cổ tức.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Bảo hiểm BIDV vẫn ghi nhận một năm kinh doanh khấm khá khi không chỉ hoàn thành kế hoạch đề ra mà công ty còn tiếp tục duy trì vị trí thứ 7 trên thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Theo đó, công ty ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 3.750 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.580 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30% và 31,8% so với năm 2021 và vượt khoảng 10% kế hoạch năm. Tuy vậy, chi phí tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 393,4 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, dù vẫn vượt 2,2% so với kế hoạch năm.

Kết phiên ngày 17/3, cổ phiếu BIC giảm nhẹ 0,2% và giao dịch ở mức 26.450 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 3.102 tỷ đồng. Ảnh: TradingView

Kết phiên ngày 17/3, cổ phiếu BIC giảm nhẹ 0,2% và giao dịch ở mức 26.450 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 3.102 tỷ đồng. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BIC vừa chứng kiến một đà giảm nhẹ trong quá trình tích lũy đi ngang quanh vùng giá 27.000 đồng/cp. Kết phiên ngày 17/3, cổ phiếu BIC giảm nhẹ 0,2% và giao dịch ở mức 26.450 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 3.102 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp