Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận quý có lãi đầu tiên sau 3 quý lỗ liên tiếp

BẢO HIỂM Bưu điện
15:57 - 08/05/2023
Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận quý có lãi đầu tiên sau 3 quý lỗ liên tiếp
0:00 / 0:00
0:00
Với mức lãi ròng quý 1 đạt 41,2 tỷ đồng, Bảo hiểm Bưu điện chứng kiến quý đầu tiên có lãi sau 3 quý liên liên tiếp lỗ nặng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và chi phí đền bù tăng vọt từ gói bảo hiểm “Vững Tâm An”.

Quý 1/2023, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HoSE: PTI) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.431 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.756 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.417 tỷ đồng, tăng 11%.

Về hoạt động tài chính, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 91,4 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tài chính đạt 5,2 tỷ đồng, tăng 6%. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 18% xuống còn 46,3 tỷ đồng.

Nhờ tiết giảm chi phí, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của PTI đạt lần lượt 56,4 tỷ đồng và 41,2 tỷ đồng, tăng 20% và 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của PTI đã tăng 5% so với hồi đầu năm, đạt 8.798. Chiếm phần lớn trong đó là khoản tiền gửi có kỳ hạn (chiếm gần 55% tổng tài sản) đạt 4.836 tỷ đồng, tăng 17%, gồm 3.102 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 1.734 tỷ đồng tiền gửi dài hạn.

Khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 1.684 tỷ đồng, tăng nhẹ 30 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 4% xuống còn 936 tỷ đồng. Mức giảm lớn nhất phải kể đến mục tiền và các khoản tương đương tiền khi đạt 42 tỷ đồng, chỉ bằng 17,5% con số đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2023, nợ phải trả của PTI đã tăng 6% lên 6.944 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là khoản dự phòng nghiệp vụ (chiếm 75,5%), đạt 5.243 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Khoản phải trả cho người bán tăng gần 17% từ 514 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh năm 2023, Bảo hiểm PTI đánh giá, dù tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự kiến sẽ giảm sút nhưng ngành bảo hiểm phi nhân thọ kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định ở khoảng 10% -12%. Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các dòng sản phẩm.

Cụ thể, các dòng sản phẩm bán lẻ như bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm xe cơ giới có thể tăng trưởng chậm lại do tác động xấu của nền kinh tế tới thu nhập của người tiêu dùng. Ngược lại, một số dòng sản phẩm bảo hiểm công nghiệp như bảo hiểm tài sản, kỹ thuật có thể được hưởng lợi và tăng tốc nhờ hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh.

Ở khía cạnh đầu tư, năm 2023 sẽ là một năm thuận lợi hơn cho ngành bảo hiểm. Lãi suất tiền gửi ở nền cao sẽ là động lực chính giúp các doanh nghiệp có thể cải thiện lợi suất đầu tư. Thị trường chứng khoán dường như cũng đã tìm được nền vững chắc hơn sau khi thu hút được mạnh dòng vốn ngoại trong những tháng gần đây.

“Vững Tâm An” là gói bảo hiểm tai nạn được triển khai từ giữa năm 2021, kèm theo chương trình hỗ trợ dịch bệnh. Khách hàng tham gia chương trình bảo hiểm với chi phí vài trăm nghìn đồng, có thể được chi trả hàng chục triệu đồng khi nhiễm bệnh Covid-19. Do dịch bùng phát trên cả nước nên số tiền chi trả lớn hơn nhiều số phí thu được, khiến Bảo hiểm PTI chịu mức lỗ nặng liên tiếp trong những quý vừa qua.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.