'Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm' được đưa vào nghị quyết Quốc hội

Cán bộ QUỐC HỘI
19:23 - 24/06/2023
Họp báo được tổ chức ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5.
Họp báo được tổ chức ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong nghị quyết chính thức về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, xử lý tình trạng đùn đẩy, tránh né trách nhiệm.

Chiều 24/6, Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Trả lời về vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, xử lý tình trạng đùn đẩy, tránh né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ viên chức được nhiều đại biểu nêu trong kỳ họp này, ông Trịnh Xuân An – Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng và an ninh cho biết:

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, xử lý tình trạng đùn đẩy, tránh né trách nhiệm là chủ trương của Đảng đã được quán triệt trong các nghị quyết. Đặc biệt là tại kỳ họp này, trước những yêu cầu cấp thiết trong điều hành kinh tế xã hội, rất nhiều đại biểu đã đưa ý kiến thảo luận, vừa nêu các nguyên nhân nhưng đồng thời cũng tranh luận các giải pháp để nâng cao trách nhiệm, sự chủ động trong điều hành.

Theo ông An, đây là lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong nghị quyết chính thức của kỳ họp về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, xử lý tình trạng tránh né trách nhiệm. Trong đó có 2 điểm nhắc tới. Một là phần nhận xét chung về những tồn tại, nghị quyết đã nêu rất rõ “đặc biệt là tình trạng đùn đẩy né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ trong giải quyết công việc”. Đây là nhận định rất đúng, trực diện.

Hai là nghị quyết đã nêu yêu cầu sớm ban hành quy định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm, xử lý tình trạng trì trệ; tức là Quốc hội đã giao trách nhiệm các các cấp, ngành thực hiện.

Về phần giải pháp để khắc phục tình trạng trên, ông An nêu quan điểm cá nhân, rằng điều hành đất nước cần phải có biện pháp thực sự mạnh mẽ và quyết liệt; có công thì được thưởng, làm tốt thì được khen, ai không làm thì đứng ra bên ngoài.

Ảnh: Đinh Nhung
Ảnh: Đinh Nhung
Có nên áp dụng quản trị doanh nghiệp vào quản trị Nhà nước không? Tôi cho rằng, quản trị Nhà nước hay quản trị doanh nghiệp thì yếu tố hiệu quả là quan trọng nhất, ai làm nhiều hưởng nhiều. Vì vậy, tôi đề xuất có cơ chế giao khoán công việc, công khai nghiêm minh. Ông Trịnh Xuân An

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm, trong nghị quyết Quốc hội kỳ này không chỉ có một quy định sớm ban hành quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm mà trong nhiều nội dung khác cũng đã đề cập.

Đó là yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá... để xem có chồng chéo hay không. “Hiện nay đang bảo luật chồng chéo, mâu thuẫn nhưng thực tế có phải như thế không. Đó cũng là một cách để xem xét cách giải quyết công việc của cán bộ”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó là yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các vi phạm. Theo ông Cường, đó là những nhóm giải pháp rất mạnh, tương đối đầy đủ để hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ.

Kỳ họp thứ 6 sẽ không chọn trước người trả lời chất vấn

Tại họp báo, các phóng viên cũng đặt câu hỏi cho các thành viên Quốc hội về các vấn đề “nóng” hiện nay như tình hình cung ứng điện, tăng lương có làm tăng giá cả, giải ngân đầu tư công, xây dựng nhà ở xã hội...

Liên quan đến việc tăng lương cơ sở sắp tới có thể gây áp lực làm tăng giá cả tiêu dùng, ông Nguyễn Trường Giang – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này và cũng có kinh nghiệm điều hành. Quốc hội vừa thông qua Luật Giá sửa đổi. Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai luật này. “Tôi tin rằng với sự sát sao của Chính phủ và giám sát của Quốc hội thì tình trạng tăng lương kèm theo tăng giá sẽ không xảy ra”, ông Giang cho biết.

Liên quan đến trách nhiệm của Quốc hội trong vấn đề giám sát cung ứng điện, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong nghị quyết chung của kỳ họp đã giao rất cụ thể cho Chính phủ điều hành nội dung này. Hiện nay, Đoàn giám sát của Quốc hội đang thực hiện giám sát các chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề đảm bảo năng lượng, đến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 sẽ báo cáo UBTVQH.

Liên quan đến vấn đề chất vấn lại, đặc biệt là lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định, kỳ họp thứ 6 và thứ 10 trong mỗi nhiệm kỳ sẽ có giám sát việc thực hiện các lời hứa; các kết quả hoạt động giám sát nói chung, trong đó có giám sát trả lời chất vấn.

Khi kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội đều ban hành nghị quyết để yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành sớm thực hiện các giải pháp, cam kết, sớm khắc phục các hạn chế, tồn tại... Trong nhiệm kỳ khoá XV, trong nghị quyết chất vấn đều nêu cụ thể công việc, có định lượng để làm căn cứ cho các đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội thực hiện giám sát.

Tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có giám sát lại, với rất nhiều nội dung, từ giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, kể cả giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật... Sẽ được đánh giá tổng quan, sau đó các đại biểu sẽ hỏi chứ không có chuyên đề như các kỳ trước, tức là không chọn trước chủ đề, không chọn trước người trả lời chất vấn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.