Bất động sản vắng bóng trong cuộc đua trái phiếu doanh nghiệp tháng 4

TRÁI PHIẾU Việt nAM
14:56 - 08/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên sau hơn 3 năm bùng nổ, bảng thống kê giá trị về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 vừa qua đã chứng kiến ngành bất động sản hoàn toàn vắng bóng. Trong khi đó, vị trí quán quân thuộc về nhóm ngân hàng với tỷ trọng chiếm gần 91%.

Báo cáo tháng 4 của hoạt động phát hành trái phiếu do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đưa ra cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng vừa qua là 16.472 tỷ đồng, trong đó có 23 đợt phát hành riêng lẻ và không có đợt phát hành TPDN ra công chúng nào.

Phần lớn các doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Thứ hạng này đã thay đổi khi những tháng trước đó, bất động sản luôn ở vị trí dẫn đầu trong nhóm phát hành TPDN.

Cụ thể, MB Bank là đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng cho kỳ hạn 3 năm. Tiếp theo là ngân hàng Sacombank đứng sau ở mức 2.500 tỷ đồng cũng cho kỳ hạn 3 năm.

Trong tháng 4 và mấy ngày đầu tháng 5, hàng loạt ngân hàng đã nâng lãi suất huy động với mức bình quân cho kỳ hạn dài lên mặt bằng mới 7,5% - so sánh có sự tiệm cận rất gần với lợi suất trái phiếu nhiều tổ chức phát hành bao gồm của chính các ngân hàng. Có thêm lựa chọn mức sinh lợi cao mà rủi ro thấp hơn, lựa chọn của dòng vốn đã giãn tập trung vào trái phiếu.

Xét về tổng giá trị phát hành, thị trường đã có sự tăng trưởng rất mạnh so với tháng 3 (3.621 tỷ đồng). Nhưng xét về sự hiện diện của các doanh nghiệp/nhóm ngành, thì khối bất động sản trong tháng này đặc biệt hoàn toàn vắng hoạt động phát hành.
Thống kê này đã phản ánh một thực tế mới với sự co cụm của khối bất động sản trên thị trường sử dụng công cụ nợ nhằm huy động vốn trung và dài hạn, sau vụ việc bị hủy 9 lô trái phiếu và nhiều lãnh đạo bị khởi tố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Kế tiếp là một loạt các lỗ hổng của thị trường TPDN phát lộ với đặc thù dòng sản phẩm huy động lãi suất cao, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp không xếp hạng tín nhiệm nhưng nhà đầu tư trái chủ vẫn mua, một phần qua thứ cấp được công ty chứng khoán và ngân hàng hoặc tổ chức đầu tư bán lại.

Trước khi xảy ra những sự việc trên, bất động sản vẫn là lĩnh vực có khối lượng TPDN dẫn đầu. Trong quý 1/2022, tổng khối lượng TPDN nhóm bất động sản phát hành tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 28.581 tỷ đồng.

Do vậy, nếu xét khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2022 đến nay, tạm thời vị trí quán quân vẫn thuộc về nhóm bất động sản với giá trị phát hành lũy kế là 28.856 tỷ đồng, chiếm 37.35%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21,559 tỷ đồng, tương đương 74.71%.

Nhóm Ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24,393 tỷ đồng, chiếm 31.57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các ngân hàng thương mại là 4.03 năm, lãi suất phát hành thường đường thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh. Trong nhóm này, ngân hàng TMCP Quân Đội phát hành nhiều nhất với 4,600 tỷ đồng, theo sau bởi ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam với 3,948 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.