Bia là sản phẩm công nghiệp có mức tăng cao nhất 9 tháng đầu năm 2022

Công nghiệp GSO
12:26 - 29/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong 9 tháng năm 2022, toàn ngành công nghiệp chỉ ghi nhận 2 ngành có mức giảm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. Tính riêng trong số các sản phẩm công nghiệp chủ lực, bia tiếp tục có mức tăng cao nhất đạt 35,8%.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá nhờ sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tăng hơn 2 điểm phần trăm so với mức tăng 9,87% của quý II/2022.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 12,12%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đặc biệt quý III đã đạt mức tăng 13,02%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 4,42%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cùng với sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch và nhà hàng sau đại dịch Covid-19, sản xuất đồ uống tiếp tục là ngành dẫn đầu với mức tăng 31,9%. Kế đó là ngành sản xuất trang phục, tăng 22,5%.

Ở chiều ngược lại, lũy kế 9 tháng năm 2022, Việt Nam chỉ ghi nhận mức giảm chỉ số IIP của 2 ngành gồm ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4% và ngành sản xuất kim loại giảm 0,8%.

Tính theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục giảm ở Hà Tĩnh và Trà Vinh với mức giảm lần lượt là 15,6% và 25,5%, chủ yếu do mức giảm của ngành sản xuất và phân phối điện, khi Hà Tĩnh ghi nhận mức giảm 35,3%, Trà Vinh giảm 36,2%. Hà Tĩnh còn ghi nhận mức giảm 11,3% của chỉ số IIP ngành chế biến, chế tạo.

9 tháng năm 2021, Bắc Giang tiếp tục là tỉnh có mức tăng IIP cao nhất, đạt 44,2%, chủ yếu do mức tăng IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đạt 46,6%. Ngoài ra, các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao gồm Đắk Lắk tăng 44,4%, Lai Châu tăng 25,6%, Sơn La tăng 27,5% do thủy điện tăng cao.

Trong số các sản phẩm công nghiệp chủ lực, 9 tháng năm 2022, bia tiếp tục là sản phẩm có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 35,8%. Kế đến là các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam gồm thủy hải sản chế biến tăng 20,4%, linh kiện điện thoại tăng 17,3%.

Ngoài ra, sắt, thép thô tiếp tục là sản phẩm có mức giảm lớn nhất, giảm 13,7%. Còn sản phẩm ti vi đã trở thành sản phẩm có mức giảm nhỏ thứ 2, chỉ ghi nhận giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, gần gấp 3,5 lần mức tăng 2,8% của cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2022 tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Dù vậy, mức tăng chỉ bằng gần một nửa mức tăng bùng nổ của cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với bình quân 9 tháng năm 2021 (81,1%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2022 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 21,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp