Bộ Công Thương lên kế hoạch bình ổn giá xăng dầu trong dài hạn

QUỐC HỘI Việt nAM
11:59 - 17/03/2022
Bộ Công Thương lên kế hoạch bình ổn giá xăng dầu trong dài hạn
0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu ra những giải pháp căn cơ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó có đảm bảo nguồn cung nội địa, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn, gia tăng lượng dự trữ dầu quốc gia...

Đây là lần đầu tiên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Vấn đề nguồn cung xăng dầu

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đưa ra nhiều chất vấn về tình trạng thiếu hụt xăng dầu và hiện tượng “găm hàng” đã diễn ra thời gian gần đây khi giá xăng liên tục tăng giá.

Giải thích tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 50% lượng tiêu thụ, cụ thể năm ngoái nhập khẩu 10 triệu tấn dầu, năm nay nhập khẩu hơn 7 triệu tấn. Vì vậy, nguồn cung vẫn còn phụ thuộc vào nước ngoài và vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi giá dầu thế giới.

Nguồn cung nội địa cũng chiếm khoảng 50%, trong đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn nhất cả nước cung cấp khoảng 35%, nhà máy Bình Sơn nhỏ hơn, cung cấp khoảng 15% còn lại.

Tuy nhiên, nhà máy Nghi Sơn là nhà máy có vốn từ liên doanh nước ngoài, từ đầu tháng 1/2022, nhà máy này do vấn đề về mặt tài chính đã phải giảm công suất xuống chỉ còn khoảng 55-60%.

Cụ thể, tháng 2/2022, nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 43%, theo kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 390.000 m3. Tương tự như vậy, tháng 3/2022, theo kế hoạch giao 680.000m3 nhưng thực tế giao hàng chỉ có 540.000 m3 (chỉ được 80% kế hoạch).

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết đầu tháng 4/2022 hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức.

Trong khi đó, nhà máy Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư đã tăng công suất lên 105% để cung ứng cho thị trường, nhưng mức tăng của nhà máy Bình Sơn chỉ tương đương 28.000 m3, chưa đủ bù lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Chính điều này đã gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước những ngày vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ đã tiến hành thẩm tra 16.800 trên tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu bán lẻ trên cả nước.

Số lượng cửa hàng có hiện tượng vi phạm, “găm hàng” rất ít. Phần lớn trong số đó là do các lỗi kĩ thuật, một phần là do các cơ sở đầu mối phân phối xăng của bọn họ ký hợp đồng với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Khi Nghi Sơn giảm công suất đột ngột sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cho các cửa hàng này.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thông qua kết nối của PVN, làm việc với liên doanh đầu tư cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để đảm bảo lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường sẽ quay về mức ổn định 35-40% sớm nhất.

Dự trữ dầu quốc gia cần tách bạch với dự trữ dầu thương mại

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã thống nhất điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/ lần, nhằm bám sát giá thế giới. Hiện nay giá dầu thế giới đã tăng từ 40-60% nhưng giá xăng dầu trong nước mới đang tăng khoảng 29-40%. Trong những lần điều chỉnh giá giai đoạn gần đây, giá xăng dầu đều có mức chiết khấu nhất định từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Laodong.vn

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Laodong.vn

Tuy nhiên, hiện quỹ này chỉ còn khoảng 600 tỷ, nên Bộ Công Thương đang tham mưu chính phủ để điều chỉnh và quy định thêm về nguồn vốn cho quỹ này. Đồng thời, bộ cũng lên kế hoạch bình ổn giá xăng dầu trong mức “chấp nhận được” khi giá dầu thế giới vẫn tăng cao thông qua các công cụ chính là Quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ hết thì sẽ giảm thuế, phí, thuế, phí đã giảm hết cỡ thì sẽ sử dụng các chính sách khác như an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng là doanh nghiệp sử dụng trực tiếp sản phẩm này nhiều.

Bên cạnh đó, trả lời chất vấn của các đại biểu, về vấn đề dự trữ quốc gia Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc hiện nay chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Từ đó dẫn tới việc bản thân cơ quan quản lý cũng không nắm rõ được lượng hàng tích trong kho của các thương nhân là bao nhiêu. Đây là lỗ hổng cần xử lý trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng dự tính tăng hạn mức dự trữ quốc gia lên khoảng 10 lần, vì mức dự trữ hiện nay chỉ có thể sử dụng trong vòng 5-7 ngày. Đồng thời, bộ cũng lên kế hoạch và thảo luận thêm với các bộ ngành về việc chuyển Quỹ bình ổn giá tính bằng tiền sang tính bằng hàng hóa, cụ thể ở đây là xăng dầu.

Cùng ngày 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) về tình hình năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.

Năm 2021, PVN đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh. 2 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác dầu đạt gần 1,8 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch. Tuy nhiên, PVN vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về phạm vi hoạt động, về xu hướng chuyển dịch năng lượng, về cơ chế chính sách đặc thù, cùng với những khó khăn do tình hình xung đột chính trị thế giới.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng tình với đa phần các kiến nghị và tạo điều kiện cho PVN phát triển. Thủ tướng cũng lưu ý PVN cần nắm chắc tình hình và có sự chuẩn bị cho những vấn đề đột xuất, đồng thời cần xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng lâu dài. Đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề liên quan nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để có thể duy trì nguồn cung ổn định trong nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp