Bộ Tài chính bác bỏ kiến nghị bỏ thuế VAT với vải trong nước để may xuất khẩu

TÀI CHÍNH Việt nAM
13:35 - 06/09/2021
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội – một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội – một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính đã bác bỏ kiến nghị bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với vải trong nước sử dụng để may hàng xuất khẩu của ngành dệt may.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành việc xem xét bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định.

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế VAT hiện hành quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%, trong đó mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.

Theo quy định hiện hành thì thuế suất thuế VAT đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế VAT tăng 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế VAT 0% và được khấu trừ, hoàn thuế VAT đầu vào.

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thuế VAT là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ và không có quy định ưu đãi riêng theo đối tượng doanh nghiệp. Đối tượng chịu thuế VAT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Việc bỏ quy định nộp thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu hoặc quy định đối tượng không chịu thuế VAT đối với mặt hàng vải mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế VAT do doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải, đồng thời chưa phù hợp với quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.

Do vậy, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ làm thủ tục hoàn thuế VAT đầu vào của sản phẩm xuất khẩu.

Trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện các doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Ngoài việc thiếu vaccine để tiêm cho người lao động thì vấn đề tài chính, chi phí lãi vay… cũng đang là gánh nặng.

Theo văn bản số 147/2021/VITAS-CS gửi góp ý về Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Chính phủ, hiệp hội này cho rằng, cần cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử như về giảm giá điện, Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 viết không đầy đủ và rõ ràng tại điểm c) “Bộ Công Thương: Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 08/2021 về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD…”.

Liên quan đến vấn đề này, VITAS đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021.

Ngoài ra, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiệp hội tiếp tục kiến nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/06/2022.

Lý do được đưa ra là hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 01/01/2017 đến nay với số tiền rất lớn, mà Luật Phí và lệ phí quy định chỉ thu để “cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư.”

Còn TP.Hồ Chí Minh là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng hầu hết đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do dịch bệnh bùng phát./.

Tin liên quan

Đọc tiếp