Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023

NGÂN HÀNG Việt nAM
18:09 - 01/08/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính quý 2/2023 của các ngân hàng cho thấy, bức tranh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2023 có sự phân hóa về lợi nhuận.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) vẫn là quán quân toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận của Vietcombank cũng bỏ xa những ngân hàng phía sau.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) gây ấn tượng với cú lộn ngược dòng, từ vị trí thứ 6 cùng kỳ năm ngoái vươn lên vị trí á quân trong nửa đầu năm nay với mức lãi trước thuế hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi cao nhất lịch sử mà BIDV đạt được trong 6 tháng đầu năm.

Đứng thứ ba là Ngân hàng Quân đội (MB, HoSE: MBB) với lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. MB cũng gây ấn tượng mạnh về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, đạt 37%, cao nhất hệ thống.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đứng thứ tư với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ năm, đạt hơn 11.200 tỷ đồng trong 6 tháng, giảm 20% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng âm nhưng kết quả này vẫn đang theo đúng dự kiến của ngân hàng, đạt 51% kế hoạch cả năm.

Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng là Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB, HoSE: ACB) với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Vị trí tiếp theo lần lượt là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, HoSE: SHB) với lợi nhuận trước thuế 6.073 tỷ; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB, HoSE: VIB) với lợi nhuận trước thuế 5.642 tỷ và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank, HoSE: HDB) với lợi nhuận trước thuế 5.484 tỷ.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) nắm giữ vị trí Top 10 và cũng là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh nhất. Ngân hàng mẹ VPBank có lãi trước thuế gần 7.900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên việc công ty con FE Credit thua lỗ đã kéo lợi nhuận hợp nhất nhà băng này xuống còn hơn 5.100 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng công bố bức tranh lợi nhuận bộc lộ nhiều gam màu xám. Các ngân hàng có mức lợi nhuận 6 tháng suy giảm mạnh là BVBank, ABBank, EximBank, Techcombank, NCB, SeABank, LPBank…

Lợi nhuận trước thuế của ABBank giảm tới 94% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 67 tỷ đồng, trong khi quý 2/2023, ngân hàng này vẫn lãi tới hơn 1.000 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đơn vị này đạt gần 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Với TPBank, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 là 1.293 tỷ đồng, giảm 25,27% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

LPBank đạt lợi nhuận trước thuế 880 tỷ đồng trong quý 2/2023 và lũy kế nửa đầu năm là 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định về bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023, trao đổi với Mekong ASEAN, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng chững lại nửa đầu năm nay là do sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, trong khi NIM co hẹp và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 2/2023 suy giảm ở hầu hết các ngân hàng. Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh nhất hệ thống cũng chỉ ở mức 5 – 6,5% tính đến hết quý 2/2023.

Trong khi đó, NIM tiếp tục giảm tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần do nhiều nguyên nhân, bao gồm tăng trưởng huy động quá cao so với tăng tín dụng, hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng hoặc tăng mạnh danh mục trái phiếu tổ chức tín dụng.

"Nợ xấu đã có dấu hiệu tăng chậm lại trong quý 2/2023, nhưng đáng lưu ý là sự dịch chuyển nợ xấu từ nhóm 2 sang các nhóm cao hơn khiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro đè nặng lên các ngân hàng, lợi nhuận theo đó cũng bị san sẻ", TS. Lê Xuân Nghĩa.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh quý 2/2023 của các ngân hàng là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt mức cao. Nhiều nhà băng sau một thời gian bão hòa đã quay trở lại đường đua CASA.

Minh chứng cụ thể là Techcombank khi CASA ngân hàng này đã chứng kiến đà tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý 2/2023, đánh dấu sự hồi phục sau bốn quý nghịch chiều. Tính đến 30/06/2023, tiền gửi của khách hàng đạt 381.900 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số dư CASA đạt 133.400 tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ.

Nhu cầu tín dụng có thể dần phục hồi vào cuối năm

Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng những tháng cuối năm 2023, TS. Lê Xuân Nghĩa tin tưởng tăng trưởng tín dụng dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và lĩnh vực bất động sản.

Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi từ quý 3 với tăng trưởng kỳ vọng cho năm 2023 vào khoảng 10-12%, nhờ hiệu ứng tích cực từ các đợt cắt giảm lãi suất liên tục và chỉ đạo hạ lãi suất cho vay của NHNN gần đây.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Trong khi đó, tăng trưởng huy động dự kiến vẫn sẽ chịu áp lực trong thời gian còn lại của năm 2023 trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế quốc nội vẫn chưa thực sự rõ ràng. Mặt khác, lãi suất tiền gửi giảm cũng dịch chuyển dòng tiền phân bổ vào các loại tài sản khác ngoài tiền gửi như đầu tư chứng khoán hay bất động sản.

Ngoài ra, nợ xấu có thể đã đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023. Dẫu vậy, gánh nặng trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các quý tới do các ngân hàng sẽ cân nhắc cẩn trọng khả năng trả nợ của khách hàng trước khi quyết định cơ cấu lại các khoản vay.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.