Các công ty Trung Quốc đang 'thèm khát’ niken của Indonesia

NĂNG LƯỢNG Indonesia
07:39 - 22/02/2022
Niken được khai thác ở Indonesia. Đây là loại kim loại mà Trung Quốc thiếu trầm trọng, được sử dụng rộng rãi để sản xuất pin lithium - nguồn năng lượng của xe điện. Ảnh: Reuters
Niken được khai thác ở Indonesia. Đây là loại kim loại mà Trung Quốc thiếu trầm trọng, được sử dụng rộng rãi để sản xuất pin lithium - nguồn năng lượng của xe điện. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, chứng kiến doanh số phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV) tăng vọt trong năm 2021, gấp ba lần so với cùng kỳ, báo hiệu một cơn khát đối với loại nguyên liệu quan trọng trong chế tạo phương tiện này là niken.

Morowali, một quận của Indonesia với ít hơn 200.000 cư dân, đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ các công ty Trung Quốc. Danh sách các nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm các nhà sản xuất vật liệu pin Zhejiang Huayou Cobalt, Eve Energy và Công nghệ tái chế Brunp Quảng Đông. Chỉ riêng trong năm 2021, họ đã đầu tư gần 4 tỷ USD vào khu vực này.

Tất cả vốn đầu tư đều đổ về các khu công nghiệp được thành lập bởi tập đoàn thép không gỉ Tsingshan của Trung Quốc để thiết lập các nhà máy luyện niken. Đây là kim loại màu trắng bạc, được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thép không gỉ, pin lithium bậc ba. Niken là nguồn năng lượng của các phương tiện năng lượng mới (NEV).

Indonesia chiếm 23,7% trữ lượng niken toàn cầu. Ảnh: VCG

Indonesia chiếm 23,7% trữ lượng niken toàn cầu. Ảnh: VCG

Giống như nhiều nguyên liệu thô khác trong ngành, xu hướng xe chạy nhiên liệu sạch đã khiến giá niken tăng lên. Vào giữa tháng 10, giá niken trên Sàn giao dịch Thượng Hải đạt mức cao kỷ lục 158.000 NDT (24.845 USD)/tấn và xu hướng giá ngày càng tăng cao.

Theo một báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc không có trữ lượng niken lớn, vì nước này chiếm chưa đến 3% tổng trữ lượng của thế giới. Trong năm 2020, Trung Quốc chỉ sản xuất được 120.000 tấn niken trong nước. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia chiếm 23,7% trữ lượng quặng niken của thế giới, sản xuất 853.000 tấn, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng toàn cầu.

Thương vụ bạc tỷ của tập đoàn Tsingshan ở Indonesia đã mở đường cho các nhà sản xuất vật liệu pin Trung Quốc “khao khát” niken, một phần lớn là do tham vọng của họ là tham gia vào ngành kinh doanh vật liệu pin đang phát triển. Tuy nhiên, khi đổ nhiều tiền hơn vào quốc gia Đông Nam Á này, họ đang đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng từ lệnh cấm xuất khẩu tái diễn, cũng như những lo ngại về phụ thuộc nguồn cung một cách dai dẳng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc vô cùng "thèm khát" Niken...

Tsingshan thành lập Khu công nghiệp Morowali Indonesia (IMIP) vào tháng 9/2013. Cho đến cuối năm 2018, IMIP đã được đầu tư 8 tỷ USD, bao gồm khoảng 2.000 ha với các cơ sở hạ tầng như nhà máy điện, nhà ga hàng hải, sân bay và trạm cơ sở thông tin liên lạc. Đây cũng là một dự án thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, chiến lược kinh tế và hợp tác quốc tế chính của Trung Quốc.

Hàng loạt các công ty Trung Quốc đã theo chân Tsingshan đến Indonesia, với con đường của họ thường là đi thẳng tới IMIP. Tuy nhiên, để sử dụng khu phức hợp, các công ty cần Tsingshan làm đối tác. Ví dụ, khi Huayue Nickel & Cobalt Indonesia - liên doanh thuộc sở hữu của Huayou - thiết lập dự án pin niken trong IMIP vào năm 2018, Tsingshan đã nắm giữ 10% cổ phần.

Brunp Recycling, một chi nhánh của công ty pin khổng lồ Contemporary Amperex Technology, đã thông báo vào tháng 4/2021 rằng họ sẽ thành lập một dự án niken trong IMIP. Ngoài ra, Tsingshan cũng có 10% cổ phần trong liên doanh với nhà tái chế vật liệu điện tử GEM.

Để đầu tư vào Indonesia, các công ty Trung Quốc về cơ bản không có "lựa chọn nào khác" ngoài việc hợp tác với Tsingshan hoặc “đơn độc” một mình. Điều này đặc biệt đúng khi nhu cầu đối với pin xe điện tăng vọt và thâm hụt nguồn cung đã đẩy giá kim loại pin như niken và lithium lên cao vào năm ngoái.

Nhu cầu về niken được sử dụng trong pin EV sẽ tăng lên 590.000 tấn vào năm 2025. Với lợi thế về niken, Indonesia đang sẵn sàng dẫn đầu khu vực về sản xuất xe điện. Ảnh: iStock

Nhu cầu về niken được sử dụng trong pin EV sẽ tăng lên 590.000 tấn vào năm 2025. Với lợi thế về niken, Indonesia đang sẵn sàng dẫn đầu khu vực về sản xuất xe điện. Ảnh: iStock

Theo CSC Financial, nhu cầu về niken được sử dụng trong pin EV sẽ tăng lên 590.000 tấn vào năm 2025, tăng từ mức 140.000 tấn vào năm 2020. Khi thị trường NEV phát triển, công ty dự báo nhu cầu sẽ sớm vượt qua nguồn cung hiện nay.

Khi hợp tác và làm việc với Tsingshan, "các công ty có thể sử dụng các tiện ích của khu công nghiệp ngay lập tức mà không cần phải giao dịch với chính quyền địa phương", nguồn tin trước đây làm việc tại IMIP cho biết. "Điều này sẽ thuận tiện hơn nhiều cho họ, trái ngược với việc bắt đầu một mình từ đầu ở Indonesia”.

Tuy nhiên, Tsingshan, công ty kim loại có trụ sở tại Thượng Hải, muốn có tham vọng lớn hơn vai trò người trung gian với một khu công nghiệp. Tháng 9/2021, Phó chủ tịch công ty Li Jin cho biết, công ty đặt mục tiêu tái tập trung hoạt động kinh doanh các sản phẩm xe năng lượng mới. Hai tháng sau đó, Tsingshan đầu tư tới 375 triệu USD vào 49,9% cổ phần trong một dự án lithium ở Nam Mỹ, với công ty khai thác khổng lồ Eramet SA của Pháp.

Tập đoàn Chengxin Lithium được niêm yết tại Thâm Quyến vào tháng 9/2021 đã tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy muối lithium đầu tiên của IMIP - một dự án trị giá 350 triệu USD được thiết kế để sản xuất tới 60.000 tấn một năm.

Tsingshan hiện đã đảm bảo cung cấp cả ba nguyên liệu chính cho pin NEV, bao gồm lithium, niken và coban - vì các dạng hợp chất của coban thường xuất hiện trong các mỏ niken.

... nhưng vướng phải lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia

Các công ty khác cũng đã tìm cách khai thác trữ lượng niken của Indonesia. Vào năm 2006, công ty khai thác mỏ khổng lồ của Brazil là Vale SA đã xin giấy phép khai thác trữ lượng niken ở nước này. Nhà sản xuất Nhật Bản Sumitomo Metal Mining đã mua lại đơn vị Vale's Indonesia vào năm 2020 và hiện mua 20% sản lượng hàng năm của công ty.

Eramet cũng đã làm việc với Tsingshan từ năm 2017 để khai thác Vịnh Weda của Indonesia, một trong những mỏ niken lớn nhất trên thế giới. Hai công ty này cùng nhau thành lập Khu công nghiệp Vịnh Weda Indonesia, nằm trên một hòn đảo gần Morowali, trong đó Tsingshan sở hữu 57% công viên. Các công ty Trung Quốc như Chengtun Mining và Huayou đều đã thiết lập các dự án niken ở đó.

Indonesia đang thắt chặt chính sách năng lượng, nhằm cố gắng thoát khỏi "bẫy" trở thành quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô. Ảnh: AFP/Getty Images

Indonesia đang thắt chặt chính sách năng lượng, nhằm cố gắng thoát khỏi "bẫy" trở thành quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô. Ảnh: AFP/Getty Images

Mặc dù nguồn dự trữ niken dồi dào như vậy, Indonesia lại đang dần thắt chặt chính sách xuất khẩu của mình trong nỗ lực phát triển nhiều ngành công nghiệp tốt hơn cho sức khỏe lâu dài của nền kinh tế.

"Chiến lược kinh doanh chính của Indonesia là thoát khỏi cái bẫy trở thành một quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô và không phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu bằng cách đẩy nhanh sự hồi sinh của ngành công nghiệp chế biến", Tổng thống Joko Widodo cho biết tại lễ khởi công pin NEV xuất xưởng vào tháng 9/2021.

Trước đây, Indonesia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với kim loại. Trong Luật Khai thác năm 2009 của nước này yêu cầu các công ty phải chế biến quặng trong nước trước khi vận chuyển ra nước ngoài. Ngoài ra, nước này đã thực hiện luật với một loạt quy định cấm xuất khẩu hơn 200 loại quặng khoáng sản, bao gồm cả niken.

Vào năm 2014, quốc gia này đã ban hành quy định cấm xuất khẩu quặng niken và bauxite chưa qua chế biến. Tuy nhiên, Indonesia đã đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn và không đạt mục tiêu doanh thu năm 2016 là 17,6 tỷ USD. Sau đó, vào năm 2017, chính phủ đã nới lỏng lệnh cấm và thông qua một số giấy phép xuất khẩu cho các công ty cam kết xây dựng các lò luyện kim địa phương. Tuy nhiên, nước này đã khôi phục lệnh cấm vào năm 2020, sớm hơn hai năm so với kế hoạch.

Ông Bambang Gatot Ariyono, Tổng giám đốc phụ trách khoáng sản và than của Indonesia, cho biết lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia nhằm bảo tồn tài nguyên khoáng sản của đất nước và thúc đẩy đầu tư vào các cơ sở sản xuất nâng cao chuỗi giá trị.

Năm nay, Indonesia được cho là đang xem xét thay đổi lệnh cấm xuất khẩu. Vào tháng 9 năm ngoái, Bloomberg đã viết rằng Indonesia đang có kế hoạch cấm xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng niken dưới 40%. Reuters sau đó đưa tin dẫn lời Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia rằng nước này xem xét đánh thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm có hàm lượng niken dưới 70%.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kim loại Beijing Antaike Information, sẽ khó có khả năng Indonesia sẽ đặt ra một lệnh cấm xuất khẩu hạn chế như vậy. Các sản phẩm có chứa dưới 40% niken chủ yếu là thép không gỉ, nhưng quốc gia này gần như không có đủ năng lực sản xuất thép không gỉ để tận dụng tất cả các sản phẩm niken đó trong nước.

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang do dự về các dự án ở Indonesia. Dựa trên tính toán chưa đầy đủ của tạp chí Caixin, các dự án niken được hỗ trợ bởi các công ty sẽ sản xuất 215.000 tấn niken cho pin điện vào năm 2022. Con số này có thể vượt tổng nhu cầu vào năm 2021, khi chỉ có 180.000 tấn niken được sử dụng.

Một nhà phân tích niken cho biết: “Sẽ không phải là một ý kiến ​​hay nếu đầu tư vào tài nguyên này khi giá của nó quá cao”. Vị này cũng chỉ ra rằng giá niken có thể giảm vào nửa cuối năm 2022, khi có thêm nhiều dự án mới xuất hiện. Do vậy, bây giờ không phải thời điểm thích hợp để nhảy vào thị trường này.

Với bối cảnh đầu tư của Indonesia hiện nay, đây có thể không phải là nơi tốt nhất lúc này để các công ty Trung Quốc tăng sản xuất pin điện, do hỗ trợ tài chính của chính phủ kém, khí hậu nhiệt đới có khả năng gây hại cho pin và thiếu bảo hiểm liên quan. Tất cả những điều này đang tạo ra một bài toán khó cho các công ty - "khát" năng lượng nhưng do dự đầu tư.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.