Các tỷ phú công nghệ Trung Quốc bị ‘bốc hơi’ 80 tỷ USD trong năm 2021

tài sản TRUNG QUỐC
13:35 - 30/12/2021
Các ông trùm Internet hàng đầu của Trung Quốc chứng kiến ​​gần 1/4 tổng tài sản ròng bị "bốc hơi". Ảnh: Internet
Các ông trùm Internet hàng đầu của Trung Quốc chứng kiến ​​gần 1/4 tổng tài sản ròng bị "bốc hơi". Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Thống kê của Bloomberg Billionaires Index cho thấy, 10 ông trùm công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã mất tổng giá trị tài sản ròng lên đến 80 tỷ USD vào năm 2021, trong bối cảnh các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên quy mô lớn.

Sự sụt giảm này tương đương với 1/4 tổng tài sản của họ và là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2012.

Người sáng lập Pinduoduo, Colin Huang ghi nhận mức “bốc hơi” nhiều nhất trong năm nay - 42,9 tỷ USD, tương đương 2/3 tài sản của mình. Nguyên nhân chính là cổ phiếu của nền tảng thương mại điện tử này giảm gần 70%. Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba, người luôn giữ kín tiếng kể từ khi các nhà chức trách Trung Quốc siết chặt hoạt động kinh doanh công nghệ, đã chứng kiến ​​khối tài sản của ông hao hụt khoảng 13 tỷ USD.

Người sáng lập Pinduoduo, Colin Huang chứng kiến sự "bốc hơi" 2/3 tài sản. Ảnh: Bloomberg

Người sáng lập Pinduoduo, Colin Huang chứng kiến sự "bốc hơi" 2/3 tài sản. Ảnh: Bloomberg

Bên cạnh đó, cũng có một số người chứng kiến khối lượng tài sản biến động mạnh như nhà sáng lập Didi Global Cheng Wei. Trong những tuần trước khi Didi niêm yết tại Mỹ, các nhà đầu tư đã ráo riết mua cổ phần hần trong các giao dịch thị trường thứ cấp của hãng, đẩy định giá của gã khổng lồ gọi xe lên 95 tỷ USD. Điều này đã góp phần kéo giá trị cổ phần của người sáng lập Cheng lên 6,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, cơn sốt cổ phiếu này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Cổ phiếu của hãng đã giảm mạnh hơn 60% kể từ khi giới chức Trung Quốc thông báo điều tra và yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Vì vậy, tài sản của Cheng chỉ còn 1,7 tỷ USD.

Việc tăng cường giám sát chống độc quyền từ các cơ quan quản lý Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi Ant Group bị buộc ngừng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm ngoái. Các công ty công nghệ bao gồm Alibaba, Tencent Holdings, Meituan và Pinduoduo đã bị cắt giảm mức định giá cao ngất ngưởng một thời của họ sau khi bị phạt vì nhiều lý do, từ hoạt động độc quyền đến hành vi không công khai các thương vụ.

Trung Quốc cũng đang chú ý nhiều hơn đến cấu trúc VIE (mô hình sở hữu đặc biệt) - một lỗ hổng lâu nay được ngành công nghệ nước này sử dụng để lách hạn chế của chính phủ và huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bắc Kinh đã công bố các quy định sâu rộng về việc bán cổ phiếu ra nước ngoài của các công ty này, đồng thời tăng cường giám sát đối với các đợt IPO ở nước ngoài – hầu như không được kiểm soát trong hai thập kỷ qua.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ trong tháng này cũng công bố kế hoạch cuối cùng về việc ra luật mới bắt buộc các công ty Trung Quốc phải công khai sổ sách của họ, hoặc sẽ phải rút niêm yết trong vòng 3 năm. Điều đó đồng nghĩa hàng trăm công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết tại thị trường Mỹ và chuyển về sàn giao dịch Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục.

Chen Zhiwu, Giám đốc Viện Nghiên cứu toàn cầu Châu Á tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Những ngày tươi đẹp nhất của ngành công nghệ của Trung Quốc đã qua rồi. Nếu không có khả năng tiếp cận các thị trường vốn của Mỹ, lịch sử lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc sẽ có nước ngoặt khó khăn”.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, người sáng lập ByteDance, Zhang Yiming là ông trùm Internet hiếm hoi của Trung Quốc ghi nhận lượng ​​tài sản tăng lên trong năm nay, đạt 19,5 tỷ USD dựa trên mức định giá trong hồ sơ của SoftBank.

Có được điều này một phần là do người đứng đầu TikTok đã thiết lập bộ máy tổ chức chặt chẽ, cách ly khỏi những biến động của thị trường. Bên cạnh đó, Zhang cũng đã cố gắng giữ một thái độ khiêm tốn trong suốt quá trình các cơ quan quản lý kiểm soát công nghệ. Vào tháng 5, ông tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành và sau đó cũng rời Hội đồng quản trị vào tháng trước.

Người sáng lập ByteDance, Zhang Yiming là ông trùm Internet hiếm hoi của Trung Quốc ghi nhận lượng tài sản tăng lên trong năm nay, đạt 19,5 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Người sáng lập ByteDance, Zhang Yiming là ông trùm Internet hiếm hoi của Trung Quốc ghi nhận lượng ​​tài sản tăng lên trong năm nay, đạt 19,5 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Nhiều nhà lãnh đạo công nghệ cũng đã có những động thái tương tự. Su Hua, đồng sáng lập ứng dụng phát trực tiếp Kuaishou Technology, đã nhường lại vai trò CEO vào tháng 11, chỉ 9 tháng sau khi hãng này IPO tại Hong Kong. Vào tháng 9, JD.com đã bổ nhiệm một chủ tịch mới và cho biết rằng Chủ tịch Richard Liu sẽ tập trung vào các chiến lược dài hạn.

Ngay cả khi khối lượng tài sản cá nhân bị hao hụt, một số tỷ phú công nghệ Trung Quốc vẫn tăng cường hoạt động từ thiện, để ủng hộ lời khuyên của Chủ tịch Tập Cận Bình về “sự thịnh vượng chung”, giải quyết bất bình đẳng xã hội. Lei Jun của Xiaomi và Wang Xing của Meituan đã quyên góp số cổ phần lần lượt trị giá 2,2 tỷ USD và 2,3 tỷ USD cho tổ chức từ thiện.

Theo dữ liệu của Bloomberg News, tính đến cuối tháng 8, các tỷ phú Trung Quốc đã quyên góp ít nhất 5 tỷ USD cho tổ chức từ thiện, nhiều hơn 20% so với tổng số tiền quyên góp của cả nước trong năm trước đó.

“Với việc các tỷ phú công nghệ mang tính biểu tượng như Jack Ma đang dần rút lui khỏi sự hào quang, ngành công nghiệp này cần phải định hình lại chiến lược cốt lõi để tăng trưởng mới trong tương lai”, ông Chen cho hay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.