Cần có cơ chế đặc thù cho ngành khoa học và công nghệ

Khoa học CÔNG NGHỆ
07:22 - 12/07/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phải thực hiện tốt 3 yêu cầu của Thủ tướng. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phải thực hiện tốt 3 yêu cầu của Thủ tướng. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị một số nội dung chú trọng thực hiện trong thời gian tới, trong đó cần có cơ chế đặc thù cho chính sách thử nghiệm để ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình kinh tế.

Thông tin trên được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) diễn ra chiều 11/7.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định cho biết, hiện tại hành lang pháp lý về KHCN và đổi mới sáng tạo tương đối hoàn thiện với 8 luật chuyên ngành gồm: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công nghệ cao; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản dưới luật.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng dẫn nhiều kết quả nổi bật của ngành. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% trong giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%). Năm 2021, TFP đóng góp khoảng 37,5% và đến năm 2022 đóng góp khoảng 43,8% vào tăng trưởng kinh tế.

Khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng. Ông Định cho biết, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 1 tỷ USD liên tiếp trong năm 2019, 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) liên tục tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2017, tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, năm 2019 tăng 3 bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN( chỉ sau Singapore và Malaysia). Năm 2021, xếp thứ 44/132 quốc gia; năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, chỉ số xếp hạng về năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao là nhờ có sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, những chính sách, pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo hiện hành vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ với các chính sách trong lĩnh vực khác, cũng như chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khuyến nghị, cần có một cơ chế đặc thù cho khoa học công nghệ và những người làm khoa học công nghệ. Phải xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước và phát triển khoa học công nghệ. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Cần có cơ chế đặc thù về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; cơ chế chính sách pháp lý phù hợp nhằm thương mại hóa khoa học công nghệ; chú trọng công tác quản lý về nhà nước về công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ KHCN được yêu cầu thực hiện tốt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 17/5/2023. Đó là xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm một mô hình kinh tế dựa trên KHCN và xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm KHCN.

Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu để phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.